Văn bản pháp quy
Thời khóa biểu
Lịch làm việc

TIN BÀI BỘ MÔN -

Nội dung ôn tập khối 12 (14/3/2020)

Bài 8: PHÁP LUẬT VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG DÂN

I. LÍ THUYẾT

1.Quyền học tập, sáng tạo và phát triển của công dân.

a. Quyền học tập của công dân.

- Khái niệm: Mọi công dân đều có quyền học tập từ thấp đến cao, có thể học bất cứ ngành, nghề nào, có thể học bằng nhiều hình thức và có thể học thường xuyên, học suốt đời.

- Nội dung:

+ Mọi công dân đều có quyền học không hạn chế, từ Tiểu học đến Trung học, Đại học và Sau đại học.

+ Công dân có thể học bất cứ ngành, nghề nào phù hợp với năng khiếu, khả năng, sở thích và điều kiện của mình.

+ Công dân có quyền học thường xuyên, học suốt đời bằng nhiều hình thức (hệ chính quy, giáo dục thường xuyên, học tập trung hoặc không tập trung, học ban ngày hoặc buổi tối) và ở các loại hình trường lớp khác nhau (trường quốc lập, trường dân lập, trường tư thục).

+ Quyền học tập của công dân còn có nghĩa là mọi công dân đều được đối xử bình đẳng về cơ hội học tập (công dân không bị phân biệt đối xử bởi dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính…).

b. Quyền sáng tạo của công dân.

Đó là quyền của mỗi người được tự do nghiên cứu khoa học, tự do tìm tòi, suy nghĩ để đưa ra các phát minh, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, hợp lí hóa sản xuất; quyền về sáng tác văn học, nghệ thuật, khám phá khoa học để tạo ra các sản phẩm, công trình khoa học về các lĩnh vực của đời sống xã hội.

- Quyền sáng tạo của công dân bao gồm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp hoạt động khoa học, công nghệ.

c. Quyền được phát triển của công dân

- Khái niệm: Quyền được phát triển là quyền của công dân được sống trong môi trường xã hội và tự nhiên có lợi cho sự tồn tại và phát triển về thể chất, tinh thần, trí tuệ, đạo đức; có mức sống đầy đủ về vật chất; được học tập, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, tham gia các họat động văn hóa; đuợc cung cấp thông tin và chăm sóc sức khỏe; được khuyến khích, bồi dưỡng để phát triển tài năng.

- Quyền được phát triển của công dân được biểu hiện ở hai nội dung:

         Một là, quyền của công dân được hưởng đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ để phát triển toàn diện. 

         Hai là, công dân có quyền được khuyến khích, bồi dưỡng để phát triển tài năng.

2. Ý nghĩa quyền học tập, sáng tạo và phát triển của công dân.

- Là quyền cơ bản của công dân, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội ta.

- Là sở điều kiện cần thiết để con người được phát triển toàn diện, trở thành công dân tốt, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước.

- Pháp luật quy định học tập của công dân là nhằm đáp ứng và bảo đảm nhu cầu học tập của mỗi người, thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành, tạo ra một xã hội học tập trên đất nước ta.

- Trên cơ sở quyền học tập, sáng tạo và phát triển, những người học giỏi, tài năng có thể phấn đấu học tập, nghiên cứu để trở thành những nhân tài cho quê hương, đất nước.

3. Trách nhiệm của Nhà nước và công dân trong việc đảm bảo và thực hiện quyền học tập, sáng tạo và phát triển của công dân.

a. Trách nhiệm của Nhà nước

- Ban hành chính sách, pháp luật thực hiện đồng bộ các biện pháp cần thiết để các quyền này thực sự đi vào đời sống của mỗi người dân. (Hiến pháp, Luật Giáo dục, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học & Công nghệ, Luật Bảo vệ, chăm sóc & giáo dục trẻ em…)

- Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. (chính sách về học bổng, miễn – giảm học phí cho học sinh là con em liệt sĩ, thương binh, trẻ tàn tật, mồ côi, học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số…

- Nhà nước khuyến khích, phát huy sự tìm tòi, sáng tạo trong nghiện cứu khoa học (chính sách chăm lo điều kiện làm việc, lợi ích vật chất – tinh thần của người nghiên cứu khoa học; quyền tác giả đối với phát minh, sáng chế…).

- Nhà nước bảo đảm những điều kiện để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước (mở trường chuyên).

b.Trách nhiệm của công dân

- Công dân cần có ý thức học tập tốt để có kiến thức, xác định mục đích học tập là học cho mình, cho gia đình và đất nước, trở thành người có ích cho cuộc sống.

- Công dân cần có ý chí vương lên, chịu khó tìm tòi và phát huy tính sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội.

- Mỗi công dân cần có ý thức góp phần vào việc nâng cao dân trí của công dân VN, để VN trở thành một nước phát triển, văn minh.

II. CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM

Câu 1: Công dân có quyền học từ Tiểu học đến Trung học, Đại học và sau Đại học là nội dung thuộc quyền nào sau đây?

A. Quyền học không hạn chế.                           

B. Quyền học bất cứ ngành, nghề nào.

C. Quyền học thường xuyên, học suốt đời.    

D. Quyền bình đẳng về cơ hội học tập.

Câu 2: Văn bản nào sau đây qui định quyền học tập của công dân?

A. Hiến pháp, Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

B. Hiến pháp, Luật Giáo dục và các Chỉ thị.

C. Hiến pháp, Luật Giáo dục, Luật Hành chính.

D. Hiến pháp, Luật Giáo dục và các Quyết định.

Câu 3: Công dân có thể học bất cứ ngành, nghề nào phù hợp với

A. sở thích và đam mê của bản thân.

B. năng khiếu của bản thân và điều kiện của gia đình.

C. sở thích của bản thân và quan hệ  bạn bè.

D. năng khiếu, khả năng, sở thích và điều kiện của bản thân.

Câu 4:  Nội dung nàosau đây thể hiện quyền được phát triển của công dân?

A. Công dân được đáp ứng mọi nhu cầu về vật chất và được tự do đi lại.

B. Công dân được hưởng đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ để phát triển toàn diện.

C. Công dân được tự do làm theo ý thích của mình.

D. Công dân có quyền tự do ngôn luận.

Câu 5: Quyền sáng tạo của công dân gồm những quyền nào dưới đây?

A. Quyền tự do ngôn luận và sáng tác văn học.

B. Quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền hoạt động khoa học, công nghệ.

C. Quyền hoạt động xã hội và quyền tự do kinh doanh.

D. Quyền tự do thân thể và hoạt động giải trí.

Câu 6: Quan điểm nào sau đây là đúng khi nói về quyền học tập của công dân?

A. Mọi công dân đều được tạo điều kiện thuận lợi trong học tập.

B. Mọi người đều học chung một mặt bằng kiến thức.

C. Mọi công dân được quan tâm như nhau trong học tập.

D. Mọi công dân đều được đối xử bình đẳng về cơ hội học tập.

Câu 7: Nhà nước mở trường chuyên ở cấp trung học phổ thông dành cho những học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm mục nào sau đây?

A. Ban hành chính sách trong giáo dục.

B. Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục.

C. Bảo đảm những điều kiện để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.

D. Khuyến khích, phát huy sự  tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

Câu 8: Nhà nước cấp học bổng cho những học sinh con nhà nghèo nỗ lực vượt khó học giỏi nhằm thực hiện

A. quyền tự do của người học.                           B. công bằng xã hội trong giáo dục.

C. khuyến khích sự sáng tạo của công dân.    D. chú trọng bồi dưỡng nhân tài.

Câu 9. Người dân được xem nhiều chương trình truyền hình khác nhau là thể hiện quyền nào của công dân?

A. Quyền học tập.                                             B. Quyền sáng tạo. 

C. Quyền bình đẳng.                                          D. Quyền được phát triển.

Câu 10: Em N (5 tuổi), được khám chữa bệnh miễn phí tại bệnh viện. Em N được hưởng quyền nào dưới đây?

A. Quyền học tập.                                             B. Quyền sáng tạo. 

C. Quyền được phát triển.                                  D. Quyền lao động.

Câu 11: Anh M sáng tác được nhiều truyện ngắn có nội dung rất hay. Anh M đã thực hiện quyền nào của mình?

A. Quyền được phát triển.                                 B. Quyền học tập.

C. Quyền nghiên cứu khoa học.                         D. Quyền sáng tạo.

Câu 12: Em T là con nhà nghèo, sau khi thi đỗ đại học em đã được Nhà nước cấp một suất học bổng trị giá 15 triệu/năm học. Việc làm trên thể hiện chính sách nào dưới đây của Đảng và Nhà nước ta?

A. Quan tâm đến những gia đình khó khăn.

B. Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục.

C. Đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.

D. Khuyến khích sự sáng tạo của công dân.

Câu 13: Sau khi đoạt huy chương vàng trong kỳ thi học sinh giỏi quốc tế lớp 12, Nam được tuyển thẳng vào đại học. Việc làm trên thể hiện chính sách nào dưới đây của Đảng và Nhà nước ta?

A. Bình đẳng trong giáo dục.                                       B. Xã hội hóa giáo dục.

C. Bồi dưỡng nhân tài.                                                 D. Nâng cao dân trí.

Câu 14: Vì điều kiện kinh tế gia đình nên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Tuấn không thi vào đại học. Ba năm sau, Tuấn thi đỗ vào một trường đại học dân lập để tiếp tục việc học của mình. Trong tình huống trên, Tuấn đã thực hiện đúng nội dung nào của quyền học tập?

A. Công dân tự lo cho bản thân mình.

B. Công dân có quyền học thường xuyên, học suốt đời.

C. Công dân được đối xử bình đẳng trong quan hệ xã hội.

D. Mọi công dân đều có quyền tự do sáng tạo.

Câu 15: Anh Q sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu đã phát minh ra máy gieo lúa. Anh lo rằng có nhiều người sau khi xem sẽ làm nhái theo sản phẩm của mình. Vậy, anh Q nên đến cơ quan nàodưới đây để đăng kí quyền tác giả của mình?

A. Ủy ban nhân dân xã.                             B. Sở Tài nguyên và môi trường.

C. Sở Khoa học và công nghệ.                  D. Sở Kế hoạch và đầu tư.