Văn bản pháp quy
Thời khóa biểu
Lịch làm việc

TIN BÀI BỘ MÔN - Ngữ văn

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KÌ II LỚP 10 NĂM HỌC 2018-2019

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KÌ II

Môn: Ngữ văn 10. NĂM HỌC 2018 - 2019

 

           A.  Phần Đọc - hiểu (3đ)

           1. Phương thức biểu đạt

           - Tự sự                      - Miêu tả                           - Biểu cảm

           - Thuyết minh           - Nghị luận                       - Hành chính - công vụ

           2. Biện pháp tu từ

           So sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, liệt kê, chơi chữ, tương phản, nói quá, nói giảm nói tránh, điệp, câu hỏi tu từ…

           3. Xác định nội dung chính

           4. Viết đoạn văn suy nghĩ về vấn đề xuất hiện trong đoạn trích

 

           B. Phần làm văn (7đ)

           Tập trung vào 3 tác phẩm sau

           I. Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi)

           1. Tác giả

           a. Những nét chính về cuộc đời và con người Nguyễn Trãi. Cần nhấn mạnh Nguyễn Trãi: Là bậc anh hùng dân tộc,  một nhân vật toàn tài hiếm có, danh nhân văn hóa thế giới.

Một con người phải chịu những oan khiên thảm khốc nhất trong chế độ PK Việt Nam.

           b. Sự nghiệp văn học:

           - Các tác phẩm chính(sgk)

           - Giá trị:

           +Nội dung: Lí tưởng độc lập dân tộc và lí tưởng nhân nghĩa; vẻ đẹp tâm hồn người anh hùng vĩ đại và con người bình dân.

           +Nghệ thuật: Kết tinh và mở đường cho sự phát triển văn học.

           2. Tác phẩm

           a. Hoàn cảnh ra đời:Sau chiến thắng giặc Minh (1427)Nguyễn Trãi thay Lê Lợi tổng kết toàn diện cuộc kháng chiến và tuyên bố nền độc lập dân tộc thế kỉ XV.

           b. Nội dung:

           - Luận đề chính nghĩa:

           + Tư tưởng nhân nghĩa: trừ tham tàn, bạo ngược, chống xâm lược, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

           + Khẳng định chủ quyền dân tộc: có phong tục tập quán,có nền văn hóa lâu đời.

           - Bản cáo trạng đanh thép tội ác giặc Minh.

           + Vạch trần âm mưu xâm lược.

           + Tố cáo mạnh mẽ những tội ác diệt chủng, chủ trương cai trị thâm độc. Tội ác của giặc “trúc Lam Sơn không ghi hết tội/Nước Đông Hải không rửa sạch mùi”. Lời văn khi uất hận trào sôi, khi cảm thương tha thiết.

           - Ý chí quyết tâm tiêu diệt giặc Minh

           + Hình tượng người anh hùng Lê Lợi trong buổi đầu dựng nghiệp: Nghĩa quân gặp nhiều khó khăn (thiếu nhân tài,thiếu quân,thiếu lương) nhưng với ý chí quyết tâm của toàn dân cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vượt qua khó khăn, gian khổ và chiến thắng kẻ thù.

           + Quá trình phản công thắng lợi: chiến thắng của ta và thất bại thảm hại, nhục nhã của địch.

           - Lời tuyên bố nền độc lập của dân tộc.

           c. Nghệ thuật:

           - Là áng văn chính luận chặt chẽ, đanh thép.

           - Lời tuyên cáo đạt đến trình độ mẫu mực.  

           II. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Nguyễn Dữ)

           1. Tác giả

           - Nguyễn Dữ sống vào khoảng thế kỉ XVI, xuất thân trong một gia đình khoa bảng, từng làm quan sau đó ở ẩn.

           - Tác phẩm nổi tiếng là “Truyền kì mạn lục”.

           2. Tác phẩm Truyền kì mạn lục”

           - Viết bằng chữ Hán, gồm 20 truyện ra đời nửa đầu thế kỉ XVI, các truyện hầu hết viết về các thời Lí, Trần, Hồ, Lê sơ. Đằng sau yếu tố hoang đường là hiện thực đương thời lúc bấy giờ.

           - Tác phẩm thể hiện tinh thần dân tộc, bộc lộ niềm tự hào về nhân tài, văn hóa nước Việt, đề cao đạo đức nhân hậu, thủy chung, quan điểm sống” lánh đục về trong” của lớp trí thức ẩn dật đương thời.

           - Tác phẩm vừa có giá trị hiện thực và nhân đạo vừa là một tuyệt tác của thể loại truyền kì “ thiên cổ kì bút” ( Vũ Khâm Lân)

           3. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

           a. Nhân vật Ngô Tử Văn

           - Tử Văn đốt đền vì tức giận, không chịu được cảnh yêu tà tác oai tác quái hại dân, vừa thể hiện sự khảng khái, chính trực vì dân trừ hại, vừa thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ.

           - Có vụ xử kiện ở âm phủ vì hồn tên tướng giặc kiện Tử Văn. Tên họ Thôi giả mạo thổ thần làm hại dân qua mặt Diêm Vương, các thần ở những đền miếu ăn của đút nên bao che cho tên họ Thôi “ Những đền miếu gần quanh, vì tham của đút, đều bênh vực cho nó cả”. Qua đó phê phán các phán quan và Diêm Vương chưa làm việc hết trách nhiệm.

           - Kết quả xử kiện: “ Ngôi mộ tên tướng giặc thì tự dưng bị bật tung lên, hài cốt tan tành như cám vậy”. Tử Văn thắng làm chức quan phán sự vì chàng dũng cảm bảo vệ công lí, chính nghĩa. Một sự thưởng công xứng đáng. Có ý nghĩa noi gương cho người sau.

           b. Ngụ ý phê phán

           - Hồn ma tên tướng giặc xảo quyệt

           - Thánh thần quan lại ở cõi âm tham của đút bao che cho kẻ ác. Chính là hình chiếu bất công trong xã hội đương thời.

           c. Nghệ thuật

           - Sử dụng yếu tố thần kì

           - Nghệ thuật kể chuyện: cách kể chuyện sinh động hấp dẫn, giàu kịch tính.

           III. Chí khí anh hùng (Trích “Truyện Kiều” - Nguyễn Du)

           Là đoạn trích thể hiện ước mơ đầy lãng mạn của Nguyễn Du về lí tưởng anh hùng và về hình mẫu người anh hùng với những phẩm chất phi thường trên nhiều phương diện. Ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật hoà quyện vào nhau càng làm nổi bật phẩm chất cao đẹp của người anh hùng Từ Hải, đồng thời là thái độ trân trọng, ngợi ca của tác giả đối với nhân vật của mình.

           1. Một con người có phẩm chất và chí khí phi thường

           - Hiện lên qua việc dùng từ ngữ và cách nói tượng trưng:

           + Cách nói tượng trưng: “lòng bốn phương”( chí nguyện lập công danh sự nghiệp hướng ra bốn phương của trời đất), “mặt phi thường”( chỉ tính chất khác thường, xuất chúng của người anh hùng), tác giả đã tái hiện tầm vóc vũ trụ phi thường của người anh hùng.

 

           + Các từ ngữ: “ trượng phu”(người đàn ông có chí khí hoài bão lớn), “thoắt”( hành động dứt khoát, mau lẹ, kiên quyết trong tính cách của Từ Hải)…. Thể hiện thái độ trân trọng và kính phục của tác giả đối với nhân vật của mình.

           - Qua cuộc chia tay với Thuý Kiều:

           + Tư thế sẵn sàng: “ Thanh,… rong”

           + Ngôn ngữ đối thoại: “Từ rằng: Tâm phú…thường tình”.

           + Hành động : “ Quyết lời….dặm khơi”

           -> Người anh hùng đã không hề quyến luyến, bịn rịn vì tình yêu mà quên lý tưởng cao cả dù bị đặt vào tình thế một bên là hạnh phúc riêng tư và lý tưởng sống.

           - Qua thái độ tự tin:

           + Tin vào tương lai rạng rỡ: “ Bao giờ… nghi gia”.

           + Khẳng định sự thành công là tất yếu: “ Đành rằng…vội gì”.

           -> Lời hẹn ước ngắn ngọn, dứt khoát và chắc nịch đúng với khí phách anh hùng của một tướng quân uy vũ.

           2. Thi pháp tả người anh hùng

           - Hình tượng người anh hùng vừa có tính ước lệ vừa mang tầm vóc của con người vũ trụ    (dẫn chứng từ cách dùng từ ngữ cho đến hình ảnh…)

           - Kiểu mẫu người anh hùng vốn đã là nhân vật truyền thống của văn học trung đại (qua suy nghĩ và hành động ngắn gọn, dứt khoát…)

           -> Bằng nghệ thuật xây dựng hình tượng người anh hùng, tác giả đã khắc hoạ thành công một khuôn mẫu người anh hùng vốn đã thành truyền thống của văn học trung đại.

          

                                                                                          NHÓM NGỮ VĂN 10