Văn bản pháp quy
Thời khóa biểu
Lịch làm việc

TIN BÀI BỘ MÔN - Ngữ văn

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP NGỮ VĂN 11 HỌC KÌ I - NĂM HỌC 2019 - 2020

TRƯỜNG THPT TRẦN PHÚ

TỔ NGỮ VĂN

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP NGỮ VĂN 11

HỌC KÌ I - NĂM HỌC 2019 - 2020

 

A. NỘI DUNG ÔN TẬP

1. MỘT SỐ BIỆN PHÁP TU TỪ VÀ TÁC DỤNG:

* So sánh: đối chiếu sự vật này với sự vất khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm.
* Ẩn dụ: Gọi tên sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm.

* Nhân hóa: cách gọi tả vật, đồ vật..v.v bằng những từ ngữ vốn dùng cho con người làm cho thế giới vật, đồ vật ... trở nên gần gũi biểu thị được những suy nghĩ tình cảm của con người.

* Hoán dụ: gọi tên sự vật hiện tượng khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó.

* Nói quá: Biện pháp tu từ phóng đại mức độ qui mô tính chất của sự vật hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh gây ấn tượng tăng tính biểu cảm.

* Nói giảm nói tránh: dùng cách diễn đạt tế nhị uyển chuyển tránh gây cảm giác phản cảm và tránh thô tục thiếu lịch sự.

* Điệp ngữ: lặp lại từ ngữ hoặc cả câu để làm nối bật ý gây cảm xúc mạnh.

* Chơi chữ: Cách lợi dụng đặc sắc về âm và về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm hài hước.

 

2. PHƯƠNG THỨC BIỂU ĐẠT

1. Tự sự (kể chuyện, tường thuật) Là kể chuyện, nghĩa là dùng ngôn ngữ để kể một chuỗi sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng tạo thành một kết thúc. Ngoài ra, người ta không chỉ chú trọng đến kể việc mà còn quan tâm đến việc khắc hoạ tính cách nhân vật và nêu lên những nhận thức sâu sắc, mới mẻ về bản chất của con người và cuộc sống.

2. Miêu tả Là dùng ngôn ngữ mô tả sự vật làm cho người nghe, người đọc có thể hình dung được cụ thể sự vật, sự việc như đang hiện ra trước mắt hoặc nhận biết được thế giới nội tâm của con người.
3. Biểu cảm Là dùng ngôn ngữ để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình về thế giới xung quanh.
4. Nghị luận Là phương thức chủ yếu được dùng để bàn bạc phải trái, đúng sai nhằm bộc lộ rõ chủ kiến, thái độ của người nói, người viết rồi dẫn dắt, thuyết phục người khác đồng tình với ý kiến của mình.

5. Thuyết minh Là cung cấp, giới thiệu, giảng giải…một cách chính xác và khách quan về một sự vật, hiện tượng nào đó có thật trong cuộc sống. Ví dụ một danh lam thắng cảnh, một vấn đề khoa học, một nhân vật lịch sử...

6. Hành chính - công vụ Là phương thức dùng để giao tiếp giữa Nhà nước với nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan Nhà nước, giữa cơ quan với cơ quan, giữa nước này và nước khác trên cơ sở pháp lí.

 

4. NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

- Nghị luận là bàn bạc, đánh giá một vấn đề, trong đó, nghị luận xã hội là phương pháp nghị luận lấy đề tài từ các lĩnh vực xã hội chính trị, đạo đức làm nội dung bàn bạc nhằm làm sáng tỏ cái đúng – sai, cái tốt – xấu của vấn đề được nêu ra. Từ đó đưa ra một cách hiểu thấu đáo về vấn đề nghị luận cũng như vận dụng nó vào đời sống.

-Nghị luận xã hội gồm có hai dạng:

+ Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.

+ Nghị luận về một hiện tượng đời sống.

Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, quan điểm nhân sinh (như các vấn đề về nhận thức; về tâm hồn nhân cách; về các quan hệ gia đình xã hội, cách ứng xử; lối sống của con người trong xã hội…)

Bước 1 : Giải thích tư tư tưởng , đạo lí.

Bước 2 : Bàn luận

- Phân tích mặt đúng.

- Bác bỏ ( phê phán ) những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề.

Bước 3: Mở rộng.

- Mở rộng bằng cách giải thích và chứng minh.

- Mở rộng bằng cách đào sâu thêm vấn đề.

- Mở rộng bằng cách lật ngược vấn đề.

(Người tham gia nghị luận đưa ra mặt trái của vấn đề. Phủ nhận nó là công nhận cái đúng, ngược lại, nếu vấn đề bình luận là sai hãy lật ngược bằng cách đưa ra vấn đề đúng. Bảo vệ cái đúng cũng có nghĩa là phủ định cái sai.

Trong các bước mở rộng ,tuỳ vào từng trường hợp và khả năng của mình mà áp dụng cho tốt ,không nên cứng nhắc).

Bước 4 : Nêu ý nghĩa ,rút ra bài học nhận thức và hành động. 

 

Nghị luận về một hiện tượng đời sống là sử dụng tổng hợp các thao tác lập luận để làm cho người đọc hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu sâu những hiện tượng đời sống có ý nghĩa xã hội. Thông thường, những hiện tượng mà đề bài đề cập tới thường là những hiện tượng nổi bật, tạo được sự chú ý và có tác động đến đời sống xã hội. Không chỉ đề cập đến những hiện tượng tốt đẹp, tích cực trong đời sống, kiểu bài nghị luận này còn đề cập đến những hiện tượng mang tính chất tiêu cực, đang bị xã hội lên án, phê phán.

Bước 1: Miêu tả hiện tượng được đề cập đến trong bài.

- Giải thích ( nếu trong đề bài có khái niệm, thuật ngữ hoặc các ẩn dụ, hoán dụ, so sánh…)cần làm rõ để đưa ra vấn đề bàn luận.

- Chỉ ra thực trạng ( biểu hiện của thực trạng)

Bước 2: Phân tích các mặt đúng – sai, lợi – hại của vấn đề.

-        Phân tích tác dụng của vấn đề nếu là hiện tượng tích cực.

-        Phân tích tác hại của vấn đề nếu là hiện tượng tiêu cực.

-        Phân tích cả hai mặt tích cực và hạn chế nếu đề có cả hai mặt.

Bước 3: Chỉ ra nguyên nhân.

Bước 4: Bày tỏ thái độ, ý kiến đánh giá của người viết về hiện tượng. Rút ra bài học và đề xuất giải pháp.

 

5. Các tác phẩm văn học.

VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC – NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

I. GIỚI THIỆU CHUNG

1. Hoàn cảnh sáng tác

- Viết trong buổi nhân dân tổ chức truy điệu các nông dân nghĩa sĩ đã hi sinh trong trận tấn công đồn Cần Giuộc ngày 16 – 12 – 1861.

- Tác phẩm ra đời vào cuối 1861, đầu 1862. Đây là thời điểm cả nước, đặc biệt là nhân dân miền Nam đang sôi sục đứng lên chống lại thực dân Pháp. Ngày 16 – 12 – 1861 xảy ra một trận đánh đồn Cần Giuộc, nhiều nghĩa sĩ nông dân đã tập kích, phá đồn, tiêu diệt được nhiều giặc Pháp và tay sai, trong trận này, nghĩa binh chết gần 20 người. Cảm kích trước lòng dũng cảm của nghĩa sĩ, tuần phủ Gia Định giao cho cụ Đồ Chiểu viết bài văn tế đọc tại buổi lễ truy điệu các nghĩa sĩ.

- Bài văn tế đã khích lệ tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc và ý chí chiến đấu và bảo vệ tổ quốc…
            2. Thể loại: Văn tế.

3. Bố cục: 4 đoạn

a. Lung khởi ( câu 1-2): Khái quát bối cảnh bão táp của thời đại và khẳng định ý nghĩa cái chết bất tử của người nông dân-nghĩa sĩ.

b. Thích thực ( từ câu 3 – 15 ): Tái hiện chân thực hình ảnh người nông dân – nghĩa sĩ, từ cuộc đời lao động vất vả, tủi cực đến giây phút vươn mình trở thành dũng sĩ đánh giặc và lập chiến công.
c. Ai vãn ( 16 – 28 ): Bày tỏ lòng tiếc thương, sự cảm phục của tác giả và nhân dân đối với người nghĩa sĩ
d. Kết ( 2 câu cuối ): Ca ngợi linh hồn bất tử của các nghĩa sĩ.

II. ĐỌC – HIỂU

1. Phần 1: Lung khởi

- Mở đầu: “Hỡi ôi!” -> Tiếng than lay động lòng người.

- Nt: đối: Súng giặc đất rền – Lòng dân trời tỏ .

-> Âm vang của tiếng súng gợi lên cơn tao loạn của đất nước một thời, làm nổi bật lên một vấn đề trung tâm của thời đại: sự đối lập giữa súng giặc và lòng dân, súng giặc thì rền vang mặt đất, lòng dân thì rực sáng cả bầu trời.

->Phác hoạ lại một thời đại đau thương nhưng anh hùng. Thực dân Pháp xâm lược, hung bạo với vũ khí tối tân, ta chống lại giặc chỉ có tấm lòng, chiến đấu vì chính nghĩa.

“Mười năm công…tiếng vang như mõ”

-> ý thức rõ con đường đánh Tây là hoàn toàn đúng, vì nhân nghĩa, là hành động cao cả đáng biểu dương.

Rõ ràng người nghĩa binh - nông dân đã xác định một quan niệm sống chết cao đẹp: “chết vinh hơn sống nhục”. NĐC đã thể hiện rõ một thời đại hỗn tạp, một cuộc chiến đấu khỗ nhục nhưng vĩ đại. Hai tư cách xuất hiện trong một đoạn văn nói lên sự chuyển biến của nông dân khi giặc tới, sự chuyển biến này như “thánh gióng”, rất nhanh, dứt khoát.

-> Tình yêu thương đối với người nông dân và cảm xúc to lớn của Nguyễn Đình Chiểu.

2. Phần 2 (thích thực)

a. Cuộc đời:

- “Cui cút làm ăn” -> làm ăn một cách âm thầm, lặng lẽ tội nghiệp

- “Toan lo nghèo khó” -> Quanh năm lo làm ăn vất vả mà quanh năm vẫn cứ đói rách

- Họ biết: ruộng trâu, làng bộ, cày cấy, cuốc, bừa

- Không hề biết: cung ngựa, trường nhung, tập khiêng, tập súng, tập mác, tập cờ, …Họ là những người nông dân 100%, mà là nông dân Nam Bộ giữa thể kỉ XIX - nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu.
=> Với những từ ngữ gợi tả, biệt pháp liệt kê, tác giả cho thấy cuộc đời của nghĩa sĩ là những người nông dân nghèo khổ, lam lũ, chất phác, cần cù, gắn bó với làng quê thanh bình, chưa hề biết đến chiến trận binh đao.

NĐC nói lên những điều rất bình thường của người nông dân, nhưng nó là bước đệm cho lời khen của tác giả, họ không biết gì đến giặc mà phải đánh giặc, họ làm những điều không thuộc về họ. Họ có lòng yêu nước sâu sắc.

b. Khi giặc Pháp đánh chiếm quê hương, họ trở thành người nghĩa sĩ anh dũng đánh Tây.
- Ban đầu: Họ sợ sệt, lo lắng, căng thẳng và cảm thấy thất vọng khi bị bỏ rơi “ tiếng phong hạc…mưa
- Căm ghét: “Mùi tinh chiên…như nhà nông ghét cỏ” -> kiểu căm ghét rất nông dân, tự nhiên, cụ thể.
- Căm thù cao độ: “…muốn tới ăn gan,…muốn ra cắn cổ” -> 3 đt mạnh + 1 danh từ: Sự căm thù lên đến tột đỉnh, muốn hành động một cách dứt khoát.

- Nhận thức: “Một mối xa thư…há để ai chém rắn đuổi hươu; hai vầng nhật nguyệt…đâu dung lũ treo dê bán chó” -> vạch trần bộ mặt của Pháp xâm lược VN mà bảo là khai hoá

=> nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp cứu nước.

Càng căm thù, người nghĩa binh nông dân càng đau đớn, xót xa khi nhìn thấy cảnh tổ quốc giang sơn hùng vĩ bị kẻ thù đoạt mất chgủ quyền, và họ quyêt không dung tha cho bọn chúng.

- Họ hành động tự nguyện: “Nào đợi ai đòi ai bắt…chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi…” -> sẵn sàng chiến đấu vượt qua mọi khó khăn gian khổ.

=> Đây là sự chuyển hoá phi thường từ người nông dân hiền lành chất phác, trở thành người có ý thức trách nhiệm và tự nguyện vì đại nghĩa mà đứng lên đánh giặc cứu nước.

Người nông dân trở thành chiến sĩ với sự hăm hở, tự tin với sức mạnh truyền thống của dân tộc, với lòng yêu nước mãnh liệt.

c. Trong trận tập kích công đồn, họ là những dũng sĩ

- Khẳng định: “ …chẳng phải quân cơ quân vệ…; chẳng qua là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ” -> Họ chỉ là con người thật thà, chỉ có một tấm lòng mến nghĩa mà đánh giặc.

- Trang bị: chưa tập rèn võ nghệ, chưa bày bố binh thư, manh áo vải, ngọn tầm vong, rơm con cúi,…

-> vũ khí quá thô sơ, chỉ là những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của họ.

- Khi ra trận:

+ “…đốt xong nhà dạy đạo kia,…chém rớt đầu quan hai nọ”

+ “…Đạp rào lướt tới…,…xô cửa xông vào liều mình như chẳng có”

+ “ Kẻ đâm ngang, người chém ngược…; bọn hè trước, lũ ó sau….”

- Đtừ hành động với mật độ cao: đánh, đốt, chém, gióng, đạp, lướt, xô, xông,…

- Động từ chỉ hành động mạnh, dứt khoát: Đốt xong, chém rớt,…

- Cách dùng từ chéo: đâm ngang, chém ngược, hè trước, ó sau…

- Ngắt nhịp ngắn gọn, giọng điệu khẩn trương,…

-> Họ lấy gan vàng đọ với đạn nhỏ, đạn to, tàu thiếc, tàu đồng ( vũ khí tối tân, hiện đại)

-> Họ hy sinh nhưng vẫn là những anh hùng bất tử.

-> Gan dạ, coi thường sự hiểm nguy, xông vào đồn giặc với tất cả sức mạnh của lòng yêu nước, căm thù giặc,

-> kẻ thù phải khiếp sợ.

=> Với việc sử dụng các động từ mạnh, từ chéo, ngắt nhịp câu ngắn gọn, giọng điệu khẩn trương, sôi động…, tác giả đã dựng lên bức tranh công đồn chân thực hào hùng, sinh động, làm sống dậy khí thế xông trận ồ ạt như vũ bão, một khí thế hiếm thấy trong lịch sử văn học và lịch sử dân tộc.
Đây là cuộc chiến không cân sức, vì vậy, dù họ có thất bại, họ vẫn là những anh hùng bất tử.

- Ý nghĩa của trận đánh ấy không chỉ là tạo được chiến thắng oanh liệt mà còn ở chỗ qua trận đánh, người nghĩa quân đã khẳng định thêm, làm sáng tỏ chân lí của lịch sử:

+ Chân lí về lòng yêu nước, vai trò tự nguyện, tự giác của người dân trong chiến đấu từ xưa đến nay.

+ Chân lí về khả năng chiến thắng của ý chí con người.

Lời văn có tính chất hồi tưởng, đặc biệt với cảm hứng ngợi ca anh hùng, hình ảnh người nông dân nghĩa quân Cần Giuộc hiện lên như một tượng đài nghệ thuật sừng sững, rực rỡ hiếm thấy. Lần đầu tiên người nông dân VN bước vào văn học với tư thế đưòng hoàng, đĩnh đạc mang tầm vóc và vẻ đẹp có thực của mình.
            3. Phần 3 và phần 4 ( ai vãn và kết )

a. Nỗi xót thương đối với người nghĩa sĩ.

- Nỗi tiếc hận của người phải hi sinh khi sự nghiệp còn dang dở, chí nguyện chưa thành ( câu 16, 24 )

- Nỗi xót xa của những gia đình mất người thân, tổn thất không thể bù đắp đối với những người mẹ già, vợ trẻ ( câu 25 )

- Nỗi căm hờn đã gây nên nghịch cảnh éo le ( câu 21 ), hoà chung với tiếng khóc uất ức nghẹn ngào, trước tình cảnh đau thưong của đất nước, của dân tộc ( câu 27)

- Nỗi đau sâu nặng không chỉ ở trong lòng ngưòi mà còn bao trùm khắp cỏ cây, sông núi: sông Cần Giuộc, chợ Trường Bình,…" tất cả đều nhuốm màu tang tóc, bi thương.

Tiếng khóc không chỉ thể hiện tình cảm riêng tư mà tác giả đã thay mặt nhân dân cả nước khóc thương và biểu dương công trạng của người nghĩa sĩ. Tiếng khóc không chỉ hướng về cái chết mà con2 hưóng về cuộc sống đau thương, khổ nhục của cả dân tộc trước làn sóng xâm lăng của thực dân, nó không chỉ gợi nỗi đau mà còn khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí tiếp nối sự nghiệp dở dang của người nghĩa sĩ.
b. Niềm cảm phục trước cái chết vẻ vang của người nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Niềm cảm phục và tự hào đối với những người dân thường đã dám đứng lên bảo vệ từng “tấc đất ngọn rau”, “bát cơm manh áo” của mình chống lại kẻ thù hung hãn ( câu 19,20), đã lấy cái chết để làm rạng ngời một chân lí cao đẹp của thời đại: Chết vinh còn hơn sống nhục ( câu 22, 23 )

 

c. Biểu dương công trạng của người nông dân- nghĩa sĩ, đời đời được nhân dân ngưỡng mộ, tổ quốc ghi công ( câu 26, 28 )

4. Nghệ thuật

- Cảm xúc chân thành, sâu nặng, mãnh liệt ( câu 3, 25 ); giọng văn bi tráng, thống thiết ( câu 22, 23, 24); hình ảnh sống động ( câu 13, 14, 15)

- Ngôn ngữ giản dị, dân dã được chọn lọc tinh tế, có sức biểu cảm lớn, giá trị thẩm mĩ cao( cui cút, tấc đất ngọn rau, bát cơm manh áo,…), sử dụng nhiều biện pháp tu từ

- Giọng điệu thay đổi theo dòng cảm xúc.

 

CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ – NGUYỄN TUÂN

I. GIỚI THIỆU CHUNG.

1. Tác giả:

- Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam. Sự nghiệp của ông trải ra trên hai chặng đường: trước và sau CM T8 năm 1945 : trước năm 1945, là nhà văn lãng mạn; sau năm 1945, chuyển biến thành nhà văn cách mạng.

- Trước năm 1945, sáng tác của Nguyễn Tuân xoay quanh các đề tài chính:

+ Chủ nghĩa xê dịch: Viết về cái tôi lãng tử qua những miền quê, trong đó hiện ra cảnh sắc và phong vị quê hương, cùng một tấm lòng yêu nước thiết tha. Tác phẩm chính: Một chuyến đi, Thiếu quê hương…

+ Vẻ đẹp “ vang bóng một thời”: Là những nét đẹp còn vương sót lại của một thời đã lùi vào dĩ vãng gắn với lớp nho sĩ cuối mùa. Tác phẩm chính: Vang bóng một thời

+ Đời sống truỵ lạc: Ghi lại quãng đời do hoang mang bế tắc, cái tôi lãng tử đã lao vào rượu, thuốc phiện và hát cô đầu, qua đó thấy hiện lên tâm trạng khủng hoảng của lớp thanh niêm đương thời. Tác phẩm chính: Chiếc lư đồng mắt cua, ngọn đèn dầu lạc,…

- Sau năm 1945, sáng tác Nguyễn Tuân tập trung phản ánh hai cuộc kháng chiến, qua đó thấy được vẻ đẹp của người Việt Nam vừa anh dũng vừa tài hoa. Tác phẩm chính: Tình chiến dịch, Đường vui, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi,…Ông cũng viết về công cuộc xây dựng đất nước, trong đó hiện lên con người Việt Nam với vẻ đẹp cần cù mà rất mực tài hoa. Tác phẩm chính: Sông Đà, ký Nguyễn Tuân,…

- Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời tìm kiếm cái đẹp và khẳng định những giá trị nhân văn cao quý, với những nét phong cách nổi bật: tài hoa, uyên bác, hiện đại mà cổ điển,…Ông có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thể tuỳ bút và tiếng Việt,…

2. Tác phẩm:

- “Chữ người tử tù” (đăng báo 1939, in trong tập “Vang bóng một thời” (1940) ) là truyện ngắn đặc sắc nhất của Nguyễn Tuân.

- Cốt truyện xoay quanh cuộc gặp gỡ kì lạ và éo le của hai nhân vật chính: Ông Huấn Cao có tài viết chữ đẹp, có thiên lương và khí phách đã lãnh đạo nông dân khởi nghĩa và bị bắt giam vào trại giam tỉnh Sơn. Viên quản ngục lại là một kẻ say mê chữ đẹp của ông Huấn Cao, quyết tâm tìm mọi cách để xin chữ của Huấn Cao. Truyện kết thúc bằng cảnh cho chữ - Một cảnh tượng xưa nay chưa từng có.

II. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN.

1. Tình huống chuyện độc đáo

- Tình huống là hoàn cảnh có vấn đề nhà văn tạo dựng để các nhân vật buộc phải thể hiện đúng tính cách của mình. Hoàn cảnh điển hình sẽ làm nảy sinh tính cách điển hình. Nguyễn Tuân đã tạo dựng một tình huống vừa kì lạ vừa oái oăm: (Có lẽ chứ hề xảy ra trong thực tế ). Nơi gặp gỡ là nhà ngục và sự gặp nhau giữa hai con người thộc về hai phía đối lập nhau: Huấn Cao – kẻ tử tù bất đắc dĩ và viên quản ngục.

- Xét trên bình diện xã hội họ không thể tồn tại chung, Huấn Cao đại diện cho những kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn chống lại triểu đình, quản ngục đại diện cho hệ thống và trật tự của giai cấp cầm quyền đương thời. Nhưng éo le thay, Huấn Cao lại là người có tài viết chữ đẹp, còn quản ngục lại lả kẻ tôn thờ những con chữ, hàng ngày khát mong có được chữ của Huấn Cao.

- Xét trên bình diện nghệ thuật họ hoàn toàn có thể trở thành tri âm, tri kỉ. Huấn Cao – người sáng tạo ra cái đẹp tuyệt vời của nghệ thuật thư pháp, quản ngục người gìn giữ và tôn thờ cái đẹp. Nếu gặp nhau trong một hoàn cảnh khác, hay một bầu trời chỉ có nghệ thuật thì họ lại trở thành Bá Nha và Tử Kì thuở trước. Cuộc gặp gỡ đã tạo dựng một tình huống kịch tính, từ cuộc gặp gỡ này hai nhân vật sẽ bộc lộ tính cách. Huấn Cao: tài hoa, thiên lương và khí phách anh hùng, quản ngục là kẻ dịu dàng, biết giá người, biết trọng người ngay. Hành trình gian nan và có lúc tưởng như ngục tù ấy không chỉ giam giữ Huấn Cao mà còn là tiêu tan đi cái đẹp bởi cái nhơ bẩn và cái ác. Thế nhưng những tấm lòng trong thiên hạ đã gặp nhau, sự thành tâm và sở thích cao quý của quản ngục đã làm Huấn Cao cảm động.

2. Vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”.

- Huấn Cao được nhà văn Nguyễn Tuân xây dựng từ nguyên mẫu người anh hùng Cao Bá Quát đầu thế kỷ XIX. - Nguyễn Tuân đã tạo ra tình huống éo le để tô đậm những vẻ đẹp khác thường của nhân vật. (Tình huống điển hình lảm nảy sinh những tính cách điển hình).

a. Huấn Cao – Một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thư pháp

- Tài viết chữ của ông Huấn qua lời đồn của dân vùng tỉnh Sơn và qua những lời nhận xét của viên quản ngụ c và thầy thơ lại.

- Niềm ao ước cháy bỏng của quản ngục và tấm chân tình, sự đối đáp của quản ngục để xin chữ Huấn Cao. “Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm ( …). Có được chữ Huấn Cao mà treo là có một vật báu trên đời”. Cho nên , “ Sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia treo ở nhà riêng mình một câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Để có được chữ của ông Huấn Cao, viên quản ngục không chỉ phải kiên trì, mà còn phải liều mạng. Bởi quản ngục cũng biết thế nào là cái giá phải trả cho kẻ bỏ qua lệnh triều đình biệt đãi tội phạm nguy hiểm, có khi phải trả giá bằng tính mạnh của mình.

- Chữ Huấn Cao vuông vắn, tươi tắn, nó nói lên cái hoài bão tung hoành của cả một đời con người.

b. Huấn Cao – Một con người có thiên lương trong sáng:

- Ông chỉ cho chữ chỗ bạn thân và tri kỉ, không vì bạc vàng hay quyền thế mà ép mình viết chữ bao giờ “ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay vì quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”.

- Ý thức tự trọng, tinh thần nghĩa khí qua hành động đuổi viên quản ngục

- Trọng thiên lương, Huấn Cao đã thực sự cảm động trước “tấm lòng trong thiên hạ” và sở thích cao quý của quản ngục

- Muốn người khác giữ trọn thiên lương, bằng việc gửi lại cái đẹp, cái ân tình của nhữngc người tri kỉ Huấn Cao đã khuyên quản ngục và quản ngục cảm động, tỉnh ngộ. Việc Huấn Cao cho chữ quản ngục không chỉ vì mục đích chơi chữ mà chủ yếu để cữu người, cứu một thiên lương lầm đường lạc lối quá lâu ngủ quên trong lớp tro tàn nguội lạnh của ngục tù phong kíên.

c. Huấn cao – Một khí phách anh hùng.

- Lãnh đạo nông dân khởi nghĩa chống triều đình, chấp nhận tội danh “cầm đầu bọn phản nghịch

- Ngục tù chỉ gông cùm được thể xác, Huấn Cao vẫn sống tự do về tinh thần, vẫn những hứng sinh bình mà ông từng làm: Rỗ gông, nhận rượu thịt thảm nhiên, đuổi quản ngục…lạnh lùng, thảm nhiên trước cái chết đang đến gần

- Một tử tù chỉ đợi ngày ra pháp trường mà không hề nao núng, vẫn ung dung, đàng hoàng “Đến cái cảnh chết chém, ông còn chẳng sợ nữa là…”. Đối với viên quản ngục, ônh chẳng những không sợ mà còn tỏ ra khinh bạc đến điều”.

- Sáng tạo thư pháp và truyền lại cái đẹp trước khi lĩnh án tử hình mà vẫn ung dung, đường hoàng chứng tỏ trong con người tài hoa ây là một khí phách vô cùng cứng cỏi và vượt trên hoàn cảnh.

3. Cảnh cho chữ

- Nơi hội tụ và thăng hoa tất cả những vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao

- Cảnh xưa nay chưa từng có:

+ Hoàn cảnh cho chữ: thời gian, địa điểm, ánh sáng [...]...

+ Tư thế của người xin và người cho xưa nay chưa có: Sự đổi ngôi giữa Huấn Cao và Quản ngục

+ Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng

-> Giá trị, ý nghĩa: cái đẹp không thể chung sống với cái ác, muốn tôn thờ cái đẹp phái có thiên lương, Khẳngđịnh sự bất tử của cái đẹp và cái thiện, của thiên lương

- Nghệ thuật tạo hình, tương phản .

4. Tư tưởng của nhà văn gửi gắm.

- Một tinh thần dân tộc sâu sắc: Yêu mến và trân trọng nét đẹp của truyền thống văn hoá dân tộc.

- Lòng say mê cái đẹp và đi tìm cái đẹp ở tài năng, đạo đức và nhân cách con người.

- Khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp, thiên lương và nhân cách ngay trong hoàn cảnh ngặt nghèo, ngay ở môi trường của cái ác và bóng tối.

 

HAI ĐỨA TRẺ  -Thạch Lam

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

Thạch Lam (1910-1942) tên thật là Nguyễn Tường Vinh (sau đổi là Nguyễn Tường Lân).Nhà văn, nổi tiếng về truyện ngắn. Viết xúc động về người nghèo, những em bé nhà nghèo. Văn nhẹ nhàng, tinh tế với tấm lòng xót thương, nhân hậu. Chất thơ man mác trong văn xuôi.

Tác phẩm - Các tập truyện ngắn: Gió đầu mùa (1977), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942), Tập tuỳ bút Hà Nội 36 phố phường…

2. Xuất xứ, chủ đề

-       Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” rút trong tập “Nắng trong vườn” (1938)

-       Tác phẩm nói lên lòng xót thương đối với những kỷ niệm và ước mơ bình dị, cảm động của những em bé nơi phố huyện nghèo ngày xưa.

II. Phân tích

  1. 1.     Phố huyện nghèo và những người nghèo

- Phố huyện là một thị trấn nhỏ và nghèo. Xung quanh là cánh đồng và xóm làng. Gần bờ sông. Có đường sắt chạy qua, có một ga tàu.

+ Phố huyện lúc chiều về

+ Phố huyện khi đêm xuống

+ Phố huyện về khuya

- Những con người nghèo nơi phố huyện

+ Chỉ có vài đứa bé lang thang đi lại nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre… bóng chập chờn.

+ Chị Tí mò cua bắt tép, tối đến dọn hàng nước dưới gốc bàng; dọn hàng từ chập tối cho đến đêm “chả kiếm được bao nhiêu?”. Thằng cu bé con chị Tí - xách điếu đóm và khiêng 2 cái ghế trên lưng ở trong ngõ đi ra trông thật tội nghiệp.

+ Bà cụ Thi hơi điên, cười khanh khách, ngửa cổ ra đằng sau, uống một hơi cạn sạch cút rượu, lảo đảo lần vào bóng tối.

+ Vợ chồng bác xẩm “tiếng đàn bầu bần bật”, thằng con bò ra đất…

+ Bác phở Siêu gánh hành đi trong đêm, tiếng đòn gánh kĩu kịt, bóng bác mênh mang,…Phở của bác là món quà xa xỉ mà chị em Liên không bao giờ mua được.

+ Phố tối, đường ra sông tối, cái ngõ vào làng lại sẫm đen hơn. Một vài ngọn đèn leo lét… Ngọn đèn con của chị Tí, bếp lửa của bác Siêu chiếu sáng một vùng đất cát, ngọn đèn của Liên từng hột sáng lọt qua phên nứa…

Tóm lại, phố nghèo, yên tĩnh và đầy bóng tối. Con người phố huyện âm thầm, lạnh lẽo. “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ? Cách viết nhẹ nhàng, đầy xót thương, thấm một nỗi buồn thấm thía. Đó là tình cảm nhân đạo của Thạch Lam.

2. Chị em Liên

- Gia cảnh sa sút nghèo. Cha mất việc.Cả nhà bỏ Hà Nội về quê.Mẹ làng hàng sáo.Chị em Liên được mẹ cho trông coi một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, phên nứa dán giấy nhật trình.

- An ngây thơ. Liên cảm thấy cô đã lớn, đảm đang, kiêu hãnh vì cái dây xà tích bạc ở thắt lưng “vì nó tỏ ra chỉ là người con gái lớn và đảm đang”.

 - Gian hàng tối âm thầm, đầy muỗi. Đêm nào hai chị em Liên và An cũng ngồi dưới gốc bàng, trên cái chõng tre để đợi chuyến tàu đêm. Để bán hàng theo lời mẹ dặn. Còn là một niềm vui nhỏ nhoi. 

- An trước lúc ngủ còn dặn chị đánh thức khi tàu đến. Đợi tàu là đợi ánh sáng. Con tàu từ Hà Nội về mang theo. Con tàu gợi nhớ kỷ niệm tuổi thơ: ngày bố còn đi làm, mẹ nhiều tiền được hưởng những thức quà ngon lạ, được đi chơi bờ hồ, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ.

- Đợi tàu là đợi những mơ tưởng. Với Liên, trong ký ức và hiện tại “Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua”. Thế giới ấy khác hẳn đối với cuộc đời của Liên, của dân nghèo phố huyện, khắc hẳn vầng sáng ngọn đèn chị Tí và ánh lửa của bác Siêu.

- Giấc ngủ của Liên, lúc đầu mờ dần đi “giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết…” về sau “mặt chị nặng dần”, chìm dần vào “ngập vào giấc ngủ yên tĩnh,… tĩnh mịch và đầy bóng tối”.

Tóm lại, ngòi bút của Thạch Lam tả ít mà gợi nhiều, nhỏ nhẹ, làm xúc động người đọc trước những số phận, những cảnh đời vui ít buồn nhiều, âm thầm, lặng lẽ và đầy bóng tối. Có mơ ước nhỏ nhoi, bình dị trước một cái gì vừa thuộc về quá vãng, vừa hướng tới tương lai.

III. Kết luận

Truyện “Hai đứa trẻ” vừa hiện thực vừa mang màu sắc lãng mạn. Cảnh đợi tàu thật xúc động. Một ngồi bút tinh tế tạo ra những trang văn xuôi nhẹ nhàng đầy chất thơ. Một trái tim đầy tình người. Văn Thạch Lam cho ta nhiều nhã thú, như nhà văn Nguyễn Tuân đã nói.

 

 

                                                                                                NHÓM TRƯỞNG 11