Văn bản pháp quy
Thời khóa biểu
Lịch làm việc

TIN BÀI BỘ MÔN - Ngữ văn

ĐỀ CƯƠNG ÔN THI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2019 – 2020 KHỐI 10

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP ĐÀ NẴNG

TRƯỜNG THPT TRẦN PHÚ

 

TỔ NGỮ VĂN

ĐỀ CƯƠNG ÔN THI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2019 – 2020

MÔN NGỮ VĂN – KHỐI 10

 

A. NỘI DUNG ÔN TẬP

I. KIẾN THỨC ĐỌC HIỂU

           1. Phương thức biểu đạt

           - Tự sự                      - Miêu tả                           - Biểu cảm

           - Thuyết minh           - Nghị luận                       - Hành chính - công vụ (Điều hành)

           2. Biện pháp tu từ

           So sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, liệt kê, chơi chữ, tương phản, nói quá, nói giảm nói tránh, điệp, câu hỏi tu từ…

           3. Phong cách ngôn ngữ: ôn tập các phong cách ngôn ngữ đã học

 

           4. Xác định nội dung chính, nêu cách hiểu của mình về câu văn/thơ trong đoạn trích.

           5. Viết đoạn văn suy nghĩ về vấn đề xuất hiện trong đoạn trích, rút ra thông điệp mà người viết muốn nhắn gửi qua văn bản.

          

II. KIẾN THỨC LÀM VĂN (tập trung 3 tác phẩm):

1. Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão): nắm được:

  - Hoàn cảnh sáng tác bài thơ.

  - Vẻ đẹp của con người thời Trần qua hình tượng trang nam nhi với lí tưởng và nhân cách cao cả.

  - Vẻ đẹp của thời đại qua hình tượng ba quân với sức mạnh và khí thế hào hùng. Cần thấy rằng vẻ đẹp con người và vẻ đẹp thời đại hoà quyện vào nhau.

  - Hình ảnh hoành tráng, có sức biểu cảm mạnh mẽ, thiên về gợi tả.

2. Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi): nắm được:

  - Bức tranh thiên nhiên sinh động, giàu sức sống.

  - Bức tranh cuộc sống con người: ấm no, thanh bình.

  - Qua bức tranh thiên nhiên và bức tranh cuộc sống là vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi với tình yêu thiên nhiên, yêu đời, nặng lòng với nhân dân, đất nước.

3. Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm): nắm được:

  - Chân dung cuộc sống: cuộc sống thuần hậu, chất phác, thanh đạm, thuận tự nhiên.

  - Chân dung nhân cách: lối sống thanh cao, tìm sự thư thái trong tâm hồn, sống ung dung, hoà nhập với tự nhiên; trí tuệ sáng suốt, uyên thâm khi nhận ra công danh, phú quí như một giấc chiêm bao, cái quan trọng là sự thanh thản trong tâm hồn.

 

B. CẤU TRÚC ĐỀ VÀ ĐỀ THAM KHẢO

 

1. Thời gian làm bài: 90 phút

2. Cấu trúc đề : gồm 2 phần:

      Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

           Đọc – hiểu  một đoạn văn bản hoặc đoạn thơ: trong hoặc ngoài SGK. Có 3 đến 4 câu hỏi ở các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. (có viết đoạn văn trình bày cảm nhận về một vấn đề từ ngữ liệu)

      Phần II. Làm văn (7,0 điểm )

           Văn bản nghị luận văn học.

3. Yêu cầu và cách làm bài văn nghị luận văn học:

a.Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận về văn học; phân tích được giá trị nghệ thuật; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp thông thường

b.Yêu cầu về kiến thức: Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả, tác phẩm; học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song cần nêu được những ý cơ bản mà đề bài yêu cầu:

c. Cách làm bài:

* Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn và sinh động, hấp dẫn về tác giả, tác phẩm và nội dung cần nghị luận

* Thân bài:

+ Giải thích những khái niệm, nhan đề… xuất hiện trong đề bài (nếu có)

+ Phân tích từng luận điểm: dùng lí lẽ kết hợp lí giải những  câu thơ, câu văn với những từ ngữ, hình ảnh mang ý nghĩa… , những biện pháp nghệ thuật; từ đó nêu ra những nội dụng cơ bản

+ Kết lại những nét nghệ thuật chính của đoạn thơ – bài thơ, đoạn văn – bài văn đề ra yêu cầu phân tích

* Kết bài: Đánh giá khái quát giá trị nghệ thuật và nội dung chính của vấn đề; liên hệ, mở rộng, nâng cao.

4. Đề tham khảo:     

ĐỀ THI HỌC KỲ I 

Môn Ngữ văn – Khối 10

Thời gian làm bài:  90 phút (không kể thời gian phát đề)

I. ĐỌC HIỂU(3,0 điểm)

Đọc  văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

   “ Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá.

   Thật vậy thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.

   Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.

   Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.

   Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.

   Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại về sau hối tiếc cũng không kịp”.

                (Theo Phương LiênNgữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục, 2005, tr.36-37)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản (0.5 điểm). Văn bản trên đề cập đến nội dung gì? (0.5 điểm)

Câu 2. Chỉ ra và phân tích tác dụng của hai biện pháp tu từ nghệ thuật trong câu: “Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được”. (1.0 điểm)

Câu 3. Viết một đọan văn (khoảng 10 – 15 dòng) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề sử dụng thời gian trong học tập cũng như cuộc sống của giới trẻ hiện nay. (1.0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

     Cảm nhận của anh/chị về bài thơ  Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm:                                   

                                 Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu  ai vui thú nào.

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,

Nhìn  xem phú  quý tựa chiêm bao.

                              ( Theo SGK Ngữ văn 10, tập một – NXB Giáo dục, 2016)

                                                   

-----Hết-----