Văn bản pháp quy
Thời khóa biểu
Lịch làm việc

TIN BÀI BỘ MÔN - Ngữ văn

TÁC PHẨM KỊCH TRONG NHÀ TRƯỜNG

TÁC PHẨM KỊCH TRONG NHÀ TRƯỜNG

Một nhân vật trong thiên tình sử của mình đã từng thốt ra những câu nói đau đớn như sau: “Ôi, Rô-mê-ô, chàng Rô-mê-ô! Sao chàng lại là Rô-mê-ô nhỉ! Chàng hãy khước từ cha chàng và từ chối dòng họ của chàng đi; hoặc nếu không thì chàng hãy thề là yêu em đi, và em sẽ không còn là con cháu nhà Ca-piu-lét nữa”. Có lẽ những câu nói đó rất quen thuộc đối với các em, nó thể hiện được nỗi đau tận cùng của nàng Giu-li-ét khi bị gia đình cấm cản trong tình yêu ở tác phẩm kịch “Tình yêu và thù hận” trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét. Một bi kịch lớn trong tình yêu mà ngàn đời sau còn nhắc nhớ mãi bởi những dư vị đậm đà mà tác phẩm kịch đem đến trong lòng độc giả trên khắp thế giới. Tác phẩm nói chung và kịch nói riêng là sản phẩm nghệ thuật, là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ sáng tạo nên. Vậy có bao giờ các em tự hỏi kịch ra đời từ đâu, có những đặc điểm gì và vì sao những tác phẩm kịch trong nhà trường lại lôi cuốn và mở ra thế giới bí ẩn đầy cuốn hút cho các em đến như vậy chưa?

Phải thấy rằng khi tiếp cận với bộ môn Ngữ văn nhất là phân môn Đọc văn các em học sinh sẽ được tiếp xúc với ba thể loại cơ bản: văn xuôi, thơ và kịch. Nhưng có lẽ kịch là một trong những thể loại được các em hứng thú, dành nhiều sự quan tâm hơn cả dẫu trong tổng thể chương trình học chiếm số tiết không nhiều. Các em có bao giờ tự làm đầy kiến thức cho mình bằng cách góp nhặt từng chút một? Quả là thể loại kịch không quá xa lạ nhất là khi các em được tiếp cận và tìm hiểu ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Những tác phẩm kịch trong nhà trường quen thuộc như: Vĩnh biệt Cửu Trùng đài (trích Vũ Như Tô) của Nguyễn Huy Tưởng, Tình yêu và thù hận (trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét) của Sếch-xpia trong chương trình Ngữ văn 11 (tập 1) hay Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ nằm trong chương trình Ngữ văn 12 (tập 2) và hàng loạt các tác phẩm kịch khác đã học ở bậc THCS có lẽ đã neo đậu vào lòng người một cách đơn giản đến dung dị… Quả thật, không biết tự bao giờ các tác phẩm kịch ấy ngấm vào trong máu thịt, là món ăn tinh thần của bao lớp học trò từ năm này đến năm khác. Vậy do đâu nó cuốn hút và để lại dấu ấn đậm nét như vậy? Có lẽ ta phải lần tìm về thể loại của nó.

Trong cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học” đồng chủ biên của ba nhà nghiên cứu Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi đã từng đưa ra định nghĩa rằng: “Kịch là một trong ba phương thức cơ bản của văn học (kịch, tự sự, trữ tình). Kịch vừa thuộc sân khấu vừa thuộc văn học. Nó vừa để diễn là chủ yếu lại vừa để đọc vì kịch bản chính là phương diện văn học của kịch. Song nói đến kịch là phải nói đến sự biểu diễn trên sân khấu của các diễn viên bằng hành động, cử chỉ, điệu bộ và bằng lời nói…”. Ở cấp độ loại hình, kịch bao gồm nhiều thể loại: bi kịch, hài kịch, chính kịch hay cũng có thể là sự kết hợp linh hoạt giữa bi hài kịch. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên tính kịch đó là việc tác giả xây dựng nên các xung đột kịch, để rồi từ đó mỗi nhân vật – đứa con tinh thần của người nghệ sĩ được tung tẩy qua lời nói, hành động, cử chỉ…mà thể hiện được tính cách của mình. Nhưng điều đáng chú ý phần lớn kịch được xây dựng từ hành động bên ngoài, còn những hành động bên trong như suy nghĩ nội tâm qua lời độc thoại, suy ngẫm của nhân vật phần lớn chỉ được thể hiện bằng câu chữ trong văn bản kịch, ít khi được thể hiện ra bên ngoài. Mỗi vở kịch thường chia thành nhiều hồi, cảnh nhằm tạo ra sự trùng khớp giữa thời gian, địa điểm và hành động, đồng thời giúp cho người xem, độc giả tin câu chuyện mang màu sắc xác thực của đời sống. Nếu như hài kịch thường tạo nên tiếng cười nhạo, chế giễu các thói hư tật xấu, bi kịch là nỗi đau của mỗi thân phận cá nhân thì chính kịch lại là bức tranh tái hiện cuộc sống riêng của con người bình thường. Dẫu cho thế nào đi chăng nữa thì những tác phẩm kịch luôn để lại giá trị nhân văn, nhân bản một cách sâu sắc nhất.

Lần về quá khứ, có thể thấy kịch là một thể loại ra đời vào nửa sau thế kỉ XVIII qua sáng tác của các nhà Khai sáng ở Pháp, Đức. Ở Việt Nam, kịch lại ra đời vào cuối những năm 20 của thế kỉ XX với những tên tuổi nổi tiếng như: Vũ Đình Long, Nguyễn Huy Tưởng… và sau Cách mạng tháng Tám là Lưu Quang Vũ. Có thể thấy kịch nói chung và các tác phẩm kịch trong nhà trường nói riêng mãi là bức tranh sinh động, đầy màu sắc, giàu chất kịch tính phác thảo nên đời sống văn học – sân khấu và xã hội. Để từ đó thấy được mâu thuẫn, nỗi đau bi kịch của con người, cùng những phẩm chất ngời sáng trong tâm hồn của hai tiếng CON NGƯỜI mà thượng đế đã ban tặng. Là chuyện tình yêu bị ngăn cấm của hai dòng họ trong “Tình yêu và thù hận”, là bi kịch hơn thua của cuộc đấu tranh giữa cuộc sống và nghệ thuật trong “Vĩnh biệt Cửu Trùng đài” hay đó còn là sự đấu tranh đến tận cùng của hồn và xác để giữ lại nhân cách, giá trị tinh thần cao quý ở con người trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Dẫu phản ánh điều gì đi chăng nữa thì tác phẩm kịch mãi là tấm gương phản ánh cuộc sống con người để ta tự soi vào chiêm nghiệm và làm giàu tâm hồn mỗi người - “Cuộc sống con người được ví như một vở kịch, kịch có thể có buổi diễn tập, còn đời người thì không thể lặp lại lần thứ hai”.