GIỚI THIỆU SÁCH
TRẦN PHÚ TRƯỜNG TÔI
Tác giả: Nhiều tác giả
- Năm xuất bản: 2014
- Đơn vị xuất bản: NXB Đà Nẵng
- Số trang: 100tr
![]() |
Chút tình trong TRẦN PHÚ TRƯỜNG TÔI Bao tâm huyết của đồng nghiệp từ những bài viết trong TRẦN PHÚ TRƯỜNG TÔI là tấm lòng hướng về Kỷ niệm 32 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Với TRẦN PHÚ TRƯỜNG TÔI, chúng ta thấy rất rõ tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao với giáo dục, những trăn trở, tâm tình gắn bó tha thiết với sự nghiệp trồng người vì thế hệ tương lai. Thầy Lê Vinh Hiệu trưởng nhà trường, trong bài viết Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục đã gắn kết năm quan điểm phương pháp giáo dục của Bác Hồ với thực tế giảng dạy hiện nay một cách rõ ràng cụ thể. Tổng bí thư Trần Phú, tấm gương sáng về phẩm chất cách mạng cao quí được thầy giáo Nguyễn Đình Hòa viết và đọc trong dịp khai giảng năm học mới: Trước thềm năm học mới, thầy và trò trường THPT trần Phú xin hứa trước tượng đài của Người sẽ nỗ lực hơn nữa, đạt nhiều thành tích hơn nữa, để xứng đáng với tầm vóc của vị Tổng bí thư đầu tiên của Đảng mà nhà trường vinh dự mang tên! |
Thầy giáo, nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Xạ mặc dầu đã nghỉ hưu nhưng vẫn canh cánh trong lòng với giáo dục, bài Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời để xây dựng xã hội học tập là đóng góp đúng với định hướng hiện nay. Làm thế nào để học sinh ra trường vững vàng hơn trước cuộc sống và có khả năng tự hoạt động nghiên cứu theo kịp với tốc độ phát triển hiện nay, đó là hai đề tài của cô Nguyễn Thị Châu, thầy Lê Văn Hoàng: Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua công tác chủ nhiệm và Kỹ năng xây dựng lớp học tự quản. Bốn tổ chức trong nhà trường: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội chữ thập đỏ, Hội khuyến học đã có những suy nghĩ trách nhiệm, cách làm hiệu quả, tấm lòng chắt chiu, tận tâm, tận tụy được trải ra từ các trang viết của thầy Trần Văn Hạnh, của BCH Đoàn trường, cô Lê Thị Bích Thuận, cô Trần Thị Thu Nga. Ký ức về người chiến sĩ của thầy Đặng Dũng sẽ mãi mãi đẹp, thầy tâm sự: Dẫu biết điều gì rồi cũng qua đi theo thời gian nhưng ký ức về buổi sinh hoạt với chủ đề về người chiến sĩ đêm đó sẽ không bao giờ phai nhòa trong tâm trí tôi. Thành công của nó có sức lan tỏa và để lại dấu ấn sâu đậm về sau ...Những điều chưa nói trong bài thơ của thầy Nguyễn Quang Long sẽ là ký ức không quên, hóa thân thành kỷ niệm đẹp. Cô Tăng Thị Trúc Linh thật khéo léo khi thổ lộ sự gặp gỡ, giao sóng sinh học giữa con người và thiên nhiên qua bài Về cội.
Từ một ngôi trường là lời tâm tình từ tận đáy lòng của Thủ trưởng đơn vị: từng ngày, từng ngày, từng đêm, từng đêm đèn đường Nguyễn Tất Thành vẫn sáng, tiếng trống trường vẫn cứ vang, người vẫn về trong đêm, mang ánh sáng ban ngày – ấp ủ đến với những mầm xanh tương lai. Cùng với những tiếng cười, sự ưu ái, sẻ chia, tình nghĩa đồng chí, đồng nghiệp, tình bạn, tình thầy trò ngày mỗi thắt chặt, đơm hoa, tôi lại tìm thấy niềm vui, niềm tin, niềm hạnh phúc... Từ bao giờ, ngôi trường THPT Trần phú đã chiếm vị trí quan trọng trong trái tim tôi. Trường học là ngôi nhà thứ hai, thật vậy với những gởi gắm : Mái trường thân yêu, Mái ấm Trần Phú, Tổ chúng tôi như một gia đình, các cô Lê Kim Tùng, Trần Thị Phúc, Trần Thị Vân giải bày từ bài viết thật chân tình.
Mùa thu, mùa khai trường, mở màn những lo toan, trăn trở, vấp váp, thành công, thăng tiến mới. Theo mùa thu, những cơn bão lại đến mang theo những đổ vỡ, chia lìa, tái tạo. Không phải bênh mùa thu, nhưng vì mùa thu có mùa khai trường. Trẻ con đếm thời gian bằng tết. Ta thì đếm tuổi nghề, tuổi đời bằng mùa khai trường nên bây giờ lẩm cẩm cùng Thu. Lẩm cẩm cùng thu trong bài Mùa khai trường của Thầy Diên làm ta thấy nao lòng. Để rồi nghe Vài lời quê! của thầy giáo Trịnh Tấn Xuân, hé lộ một nhận định mang tính chiêm nghiệm thật thú vị. Một chút tản mạn của cô Nguyễn Hồng Hạnh là sự tương tác có mối quan hệ hữu cơ giữa kiến thức-người học-người dạy thăng hoa nghệ thuật. Có thể theo mối quan hệ này mà ánh mắt thiết tha của cô giáo từ hồi dạy cấp 1 đến giờ cô Minh Sang vẫn không quên trong bài Cô và Em. Suy ngẫm về sự vô tình của Nguyễn Thị Trâm Anh là độ dồn nén cảm xúc, phản chiếu bắt cầu về sự quam tâm.
...Bao trăn trở, bao nghĩ suy vẫn chỉ là một tấm lòng của người thầy, tấm lòng của người phía sau thành công của các thế hệ học trò. Niềm vui đó đủ trọn vẹn, đủ đầy cho người thầy trở về không tiếc nuối và vẫn tràn trề niềm tin vào thế hệ mai sau...Trăn trở của thầy Phan văn Ngọc thật chí nghĩa thắm tình. Nói với Học trò 12 tâm tình với Đồng nghiệp, cô Nguyễn Thủy đã đẩy toàn bộ cảm xúc ra trang viết, và hình như người đọc đang sống lại tuổi học trò. Truyện ngắn Điều giản dị của Lê Thị Phương Thanh thật xúc động, phải chăng cuộc sống có ý nghĩa biết mấy khi mỗi người nghĩ đến người khác. Liền mạch với cảm xúc này, chúng ta hãy đọc bài viết của thầy Lê Thí: Dạy học bằng ánh sáng từ trái tim viết về học trò khiếm thị và là người thầy đáng kính của mình. Sắc tím bằng lăng của Nguyễn Thị Vân Anh nhẹ nhàng, hấp dẫn khi cô phát hiện ra bí mật lâu nay. Sự ân hận muộn màng của học trò nay là cô giáo qua lời tự sự của Nguyễn Thị Thanh Hải: Bây giờ em mới hiểu lòng cô thấm thía. Tự Khúc về nghề theo Lê Phan Quỳnh Trang thì thế này: Thời gian càng qua. Tôi lại càng thấm thía… Có những nỗi buồn, có những nỗi lo không thể và khó có thể gọi tên trong nghề. Nhưng, nói cho cùng, có những niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có thể có được. Âu chăng, đó cũng là phúc phần của nghề giáo. Đó cũng là phúc phần của riêng tôi, của cuộc đời tôi…Trang thơ phong phú, chứa nhiều cung bậc tình cảm. Chùm thơ cô Nguyệt Phượng day dứt người đi, lưu luyến trường lớp. Khoảnh Khoắc từ câu thơ Đinh Nga nghe ngậm ngùi. Bài thơ dâng thầy của Giáp Vân Trường chân thành khắc ghi ơn sâu. Một Tiên Sa sóng vỗ không thể quên những ngày đóng trại của cô Bích Thuận: Một ngày có rồi chiều xa, Tiên sa vẫy gọi khúc ca ngày về. Cảm nhận khi dạy đoạn trích “Trao duyên” của cô Phạm Huỳnh Hồng Diễm thật tài hoa. Duyên Nghề, Vấn Vương, Chung Thủy là những bài thơ được viết từ trái tim gắn bó với nghề của Cô Nguyễn Thị Thủy B, cô Bích Phương và thầy Hoàng Nhân. Thư gởi cô được thể hiện qua thơ mềm mại của cô Lê Thị lành. Hạnh phúc mỗi ngày đến trường gặp học trò, chia sẻ trong công việc với đồng nghiệp là ước mơ thể hiện qua hai bài thơ Cảm Nhận và Hạnh Phúc của cô Võ Thị Hường và Lê Thị Đông. Cảm xúc tuổi học trò thật hồn nhiên, trong veo qua chùm thơ Thu Nguyệt. Một so sánh thật thà ở bài thơ Xưa-Nay của cô Nguyễn Phương Loan. Một chiếc lá rơi trong sân trường, một thổn thức khi thu về làm chạnh lòng, và rồi những bối rối ấy đã thăng hoa để chúng ta có ba bài thơ thật nên thơ: Bài Mơ của cô Lê thị Cẩm Lý; bài Không Đề của cô Nguyễn Thị Hằng; Bài Thu Về của Nguyễn Thị Thanh Hải. Theo đó còn có những chia sẻ, suy ngẫm của cô Nguyễn Huyền Trang và Nguyễn Thị Đăng Thủy.
Trong không khí sinh hoạt nhớ về cội nguồn “Tôn Sư Trọng Đạo”, chúng ta không thể quên đồng nghiệp, những người chung tay góp sức xây dựng nên gia đình Trần Phú hôm nay ngày một phát triển, đã về cõi vĩnh hằng. Dẫu biết hạn cuộc trăm năm ngắn ngủi, vô thường, sống chết là lẽ đương nhiên, nhưng sao cứ mỗi khi ngày 20/11 về, lòng chúng ta ngậm ngùi nhớ đến bạn xưa. Hai câu cuối trong bài thơ Trăm Năm chính là ước mong của người ở lại: Sân trường giọt nắng ngọt ngào. Nụ cười gương mặt hôm nào còn đây...
Còn nhiều bài viết, câu thơ hay đang chờ bạn đọc trong TRẦN PHÚ TRƯỜNG TÔI.
Lật từng trang TRẦN PHÚ TRƯỜNG TÔI, bạn đọc hãy đồng điệu với những trăn trở, với nhiều cung bậc tình cảm, và miền giao thoa này, bao suy nghĩ, buồn vui lắng đọng lại, lan tỏa cộng hưởng trong nhau. Một chút tình như thế, quí biết nhường nào!