TIN BÀI BỘ MÔN - Xã hội
BÀI THUYẾT TRÌNH VỀ DANH NHÂN MANG TÊN TRƯỜNG
Kính thưa quý vị đại biểu
Quý thầy giáo, cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!
Sau ngày 30/4/1975 đất nước được thống nhất, non sông thu về một mối, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân hai miền Nam – Bắc ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế - xã hội, phát triển giáo dục và đào tạo.
Xuất phát từ thực trạng nền giáo dục nước nhà chưa thống nhất, và nhận thức vị trí, vai trò quan trọng của giáo dục đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Tháng 9/1975, Hội nghị BCHTW Đảng khóa 3 đã họp và xác định: "Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH". Nhiệm vụ mới của ngành giáo dục: "MB có nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào thi đua "hai tốt", nâng cao giáo dục toàn diện, tích cực ủng hộ giáo dục MN. MN cần mau chóng xóa bỏ tàn dư của nền giáo dục cũ, xây dựng nền giáo dục mới, nâng cao giác ngộ chính trị cho giáo viên và HS, xây dựng tổ chức quản lý ngành".
Thực hiện sứ mệnh cao cả đó, tháng 9/1978 Trường cấp 3 Thọ Nhơn được thành lập, đặt tại số 228 đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, từ năm học 1980 1981Trường đổi tên thành Trường cấp 3 Đoàn kết và từ năm học 1982 – 1983, Trường chính thức mang tên Trường THPT Trần Phú – vị Tổng bí thư đầu tiên của Đảng và tọa lạc tại số 272 đường Trần Phú. Đến tháng 11/2009, Trường được chuyển về số 11 đường Lê Thánh Tôn, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
Kính thưa quý vị đại biểu
Quý thầy giáo, cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!
Đồng chí Trần Phú, sinh ngày 1 tháng 5 năm 1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, thân phụ là ông Trần Văn Phổ, thân mẫu là bà Hoàng Thị Cát, quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong bối cảnh đất nước mất độc lập, nhân dân lầm than, vốn thừa hưởng truyền thống yêu nước, hiếu học của quê hương, dòng họ, gia đình và chịu cảnh mồ côi cha khi mới hơn 4 tuổi, Trần Phú sớm có ý thức tự lập, vượt khó để vươn lên trong học tập và hoạt động cách mạng.
Đồng chí Trần Phú tham gia sáng lập Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam), lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp thả Phan Bội Châu và để tang Phan Châu Trinh (1926). Tháng 7-1926, đồng chí Trần Phú sang Quảng Châu (TQ) để bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tại đây, đồng chí đã gặp Nguyễn Ái Quốc và tham gia lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy. Đồng chí được Nguyễn Ái Quốc tin cậy, kết nạp vào Cộng sản Đoàn, sau đó được giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva (1-1927).
Đầu tháng 11-1929, thực hiện chỉ thị của Quốc tế Cộng sản và Nguyễn Ái Quốc đồng chí bí mật rời Mátxcơva về nước hoạt động cách mạng. Tháng 7 năm 1930, Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Bản Luận cương chính trị đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10-1930 thông qua và đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần đưa phong trào cách mạng Đông Dương lên một tầm cao mới. Ngày 18-4-1931, đồng chí Trần Phú bị thực dân Pháp bắt và đưa về giam giữ tại Khám lớn Sài Gòn. Trước những đòn tra tấn dã man và chế độ hà khắc của nhà tù thực dân, ngày 6-9-1931, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn) ở tuổi 27. Trước lúc hy sinh đồng chí đã nhắn nhủ tới đồng chí, đồng bào “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.
Kính thưa quý vị đại biểu
Quý thầy giáo, cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!
Khi nhắc đến công lao của đồng chí Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng có nhiều điều để nói, nhiều điều để bàn, nhưng nếu không nhắc đến Luận cương chính trị tháng 10/1930 do đồng chí Trần Phú soạn thảo là một thiếu sót rất lớn. Bởi, Luận cương đã chỉ ra con đường phát triển của cách mạng Đông Dương; chỉ rõ mục tiêu, tính chất, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa hai giai đoạn cách mạng, vai trò của các giai cấp và liên minh giai cấp, so sánh lực lượng và phương pháp đấu tranh; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cách mạng Đông Dương; các nội dung, hình thức và phương pháp đấu tranh trong mỗi giai đoạn cách mạng. Quan điểm lý luận mác-xít về cách mạng tư sản kiểu mới do giai cấp vô sản lãnh đạo; về cách mạng không ngừng; điều kiện bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa… đã được thể hiện rõ trong Luận cương.
Mặc dù, Luận cương chính trị của đồng chí Trần Phú, còn có một số hạn chế nhất đinh. Song, trong điều kiện Đảng ta mới thành lập, trình độ lý luận trong Đảng còn hạn chế, bản Luận cương chính trị là một nỗ lực trong việc tiếp thu, vận dụng đường lối cách mạng thuộc địa và nửa thuộc địa của Quốc tế Cộng sản vào tình hình Đông Dương. Luận cương chính trị thể hiện tư duy sáng tạo của đồng chí Trần Phú và của Đảng ta trong việc vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đề ra đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Đây là ngọn cờ chỉ đạo cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa định hướng trong các chặng đường đấu tranh và thắng lợi của các dân tộc Đông Dương trong gần thế kỷ qua. Chính những đóng góp quan trọng của đồng chí Trần Phú đổi với sự nghiệp cách mạng, NAQ – HCM đã đánh giá, đồng chí Trần Phú, là tấm gương sáng về “đạo đức cách mạng, chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”.
Kính thưa quý vị đại biểu
Quý thầy giáo, cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!
Thực hiện lời căn dặn của đồng chí Trần Phú trước lúc lâm chung và lời nhắn nhủ của Bác Hồ kính yêu, trong 40 năm qua – một chặng đường phát triển, thầy và trò Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng đã không ngừng nổ lực thi đua dạy tốt, học tốt đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp “trồng người”: chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, trường lớp khang trang, xanh sạch đẹp, nhiều học sinh ra đi từ mái trường THPT Trần Phú đã thành danh trên con đường lập thân, lập nghiệp, có những anh chị là giảng viên ở các trường đại học, là nhà nghiên cứu, là doanh nhân thành đạt, là cán bộ hiện đang công tác tại thung lung Silicon (Hoa Kỳ)…
Kính thưa quý vị đại biểu
Quý thầy giáo, cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!
Để viết tiếp truyền thống hào hùng của ngôi trường mang tên Trần Phú trong 40 năm qua, em xin được đại diện cho hơn 2360 học sinh nhà trường xin hứa trước tượng đài của Người sẽ ra sức học tập, trau dồi phẩm chất đạo đức, tôi luyện lý tưởng cách mạng của người thanh niên với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” để đưa “con tàu Trường THPT Trần Phú vườn khơi xa” để hòa mình với tri thức nhân loại.
Kính thưa quý vị! tình yêu ấy, niềm tin ấy và niềm tự hào ấy chính là “Trần Phú trường tôi”.