GIỚI THIỆU
Trần Phú sinh ngày 01/5/1904 tại phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên. Quê quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Thân sinh là ông Trần Văn Phổ, một nhà nho, đỗ Giải Nguyên, được bổ làm tri huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Ông Trần Văn Phổ là người có phẩm chất khẳng khái, thanh liêm, một lòng yêu nước thương dân đã tuẫn tiết để phản đối lệnh bắt nhân dân phục dịch của bọn thực dân pháp.
Năm 6 tuổi, Trần Phú đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống những năm tháng gian khổ, chật vật, nương nhờ vào người chị ở Quảng Trị.
Năm 1914, nhờ học giỏi, lại được sự giúp đỡ của bà con họ hàng, Trần Phú được vào tiểu học ở Đông Ba và Quốc học Huế.
Năm 1922, sau khi đỗ đầu kì thi Thành Chung, Trần Phú được bổ về dạy ở trường Cao Xuân Dục ở Vinh.
Có dịp gần gũi công nhân, trí thức, được đọc báo “Người cùng khổ” của Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú đã tham gia tổ chức yêu nước: Bội Phục Việt - sau đổi thành hội Hưng nam - rồi đổi lại là: Việt Nam Cách mạng Đảng.
Năm 1926, Trần Phú sang Quảng Châu tìm gặp Nguyễn Ái Quốc, dự lớp huấn luyện chính trị, gia nhập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, và trở thành học trò ưu tú, xuất sắc của người.
Đầu năm 1927, Trần Phú sang học ở trường đại học Phương Đông ở Mat-xcơ-va.
Năm 1928, Trần Phú tham dự Đại hội quốc tế cộng sản lần thứ VI.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, Trần Phú sang Đức, Bỉ, Pháp, Hồng Kông, chuyến đi kéo dài 6 tháng.
Đầu năm 1930, Trần Phú về nước.
Tháng 4/1930, được cử vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng. Và ở thời điểm này, bản Luận cương chính trị của Đảng được đồng chí khởi thảo.
Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Đảng họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) thông qua bản Luận cương chính trị do đồng chí khởi thảo. Tại hội nghị này, đồng chí được bầu làm Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. Sau Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Đảng, Ban thường vụ quyết định đóng trụ Sở tại Sài Gòn. Đồng chí Trần Phú được cơ sở bố trí ở ngay trong nhà một tên Đốc học người Pháp.
Giữa lúc phong trào cách mạng đang lên, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp phong trào. Ngày 19/4/1931 đồng chí Trần Phú bị bắt, bọn thực dân dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man, nhưng đồng chí Trần Phú đã không khuất phục, thể hiện tinh thần dũng cảm trước sự uy hiếp của kẻ thù.
Do chế độ nhà tù hà khắc, bệnh tật của đồng chí ngày càng nặng, đồng chí Trần Phú đã từ trần vào sáng ngày 6/9/1931 tại nhà thương Chợ Quán, sau khi để lại câu nói nổi tiếng, căn dặn đồng chí của mình: “Trước sau, tôi chỉ mong anh em hãy giữ vững ý chí chiến đấu”.