TIN BÀI BỘ MÔN - Xã hội
YẾU TỐ PHONG TRÀO YÊU NƯỚC TRONG SỰ RA ĐỜI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Sưu tầm
Theo học thuyết Mác - Lênin, một Đảng Cộng sản ra đời từ sự kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học và phong trào công nhân. Luận điểm này đúng, nhưng chỉ đúng với các nước phương Tây, khi giai cấp công nhân đã bước lên vũ đài chính trị với tư cách một lực lượng cách mạng độc lập, được lý luận khoa học của Mác dẫn đường. Sự ra đời và phát triển của một loạt Đảng của giai cấp vô sản ở các nước Tây Âu cũng như ở Nga hồi cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX đã chứng minh tính đúng đắn của luận điểm nêu trên.
Còn ở các nước phương Đông, đặc biệt là các nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam thì luận điểm đó cần được bổ sung, phát triển cho phù hợp với điều kiện cụ thể. Những nước này bị chủ nghĩa thực dân thống trị, nền kinh tế hết sức lạc hậu. Công nghiệp gần như chưa phát triển, giai cấp công nhân tuy đã ra đời và sống khá tập trung, song còn nhỏ bé. Vì vậy, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chưa đại diện được cho toàn bộ phong trào dân tộc. Hơn nữa, vấn đề dân tộc cần phải giải quyết trở nên hết sức bức xúc, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân phải hoà chung với phong trào yêu nước của các tầng lớp, giai cấp khác trong xã hội, giai cấp công nhân phải nắm lấy ngọn cờ dân tộc để lãnh đạo những cuộc đấu tranh này.
Tinh thần yêu nước đã trở thành truyền thống đấu tranh bất khuất trong lịch sử dân tộc, có vai trò hết sức to lớn trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, trong các phong trào cách mạng Việt Nam. Ngay từ năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta thì phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam đấu tranh để bảo vệ nền độc lập dân tộc đã bắt đầu. Từ năm 1858 đến trước năm 1930 đã nổ ra các cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh với mục tiêu giành lại nền độc lập dân tộc. Đó là cuộc chiến đấu của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu; khởi nghĩa của Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực... Đó là các cuộc khởi nghĩa theo tiếng gọi "Cần Vương" của Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Đinh Công Tráng... Những cuộc đấu tranh vô cùng oanh liệt đó của Nhân dân ta chống thực dân Pháp đều bị đàn áp tàn bạo và thất bại. Mặc dù bị đàn áp dã man nhưng các phong trào yêu nước vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Đã xuất hiện các phong trào yêu nước theo chủ trương mới và có xu hướng tư sản như các phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy Tân, các cuộc khởi nghĩa của tiểu tư sản, trí thức trong Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo... Tuy nhiên, các phong trào đó cũng không đi đến thành công. Nguyên nhân cơ bản là do các phong trào không tìm được đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc và con đường phát triển đúng đắn, chưa phản ánh đúng nhu cầu phát triển của xã hội Việt Nam. Mà điều cốt lõi nhất là các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX chưa tìm được và chưa có khả năng tập hợp lực lượng đủ sức đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Phong trào nông dân không giải quyết được mâu thuẫn giữa địa chủ, phong kiến và nông dân, nhân dân lao động nói chung. Phong trào yêu nước muốn phát triển đất nước theo chiều hướng tư sản và tiểu tư sản không giải quyết được mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân đang phát triển ngày càng mạnh với giai cấp tư sản mà chủ yếu là tư sản Pháp; do đó, cũng không giải quyết được triệt để mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp, không tranh thủ được sức mạnh của phong trào cách mạng thế giới đang dâng lên mạnh mẽ... Phong trào yêu nước như không có đường ra.
Trong đêm trường tăm tối đó Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự ra đời của Đảng là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Như vậy, khi đề cập đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, bên cạnh hai yếu tố là chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân, Hồ Chí Minh còn kể đến yếu tố thứ ba, đó là phong trào yêu nước. Đây là một quan điểm quan trọng của Hồ Chí Minh về sự hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trên cơ sở thực tiễn cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh thấy rõ vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với quá trình hình thành của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời Người cũng đánh giá rất cao vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhưng Người bổ sung yếu tố phong trào yêu nước, coi nó là một trong ba yếu tố kết hợp dẫn đến việc hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam là vì:
Thứ nhất, phong trào yêu nước có vị trí, vai trò cực kỳ to lớn trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Là giá trị văn hoá trường tồn trong văn hoá Việt Nam.
Thứ hai, phong trào công nhân kết hợp được với phong trào yêu nước bởi vì hai phong trào đó đều có mục tiêu chung: giải phóng dân tộc, làm cho Việt Nam được hoàn toàn độc lập, xây dựng đất nước hùng cường. Hơn nữa, phong trào yêu nước có trước phong trào công nhân, phong trào công nhân xét về nghĩa nào đó nó lại là phong trào yêu nước.
Thứ ba, phong trào nông dân kết hợp với phong trào công nhân. Nói đến phong trào yêu nước Việt Nam phải kể đến phong trào nông dân. Do đó, giữa phong trào công nhân và phong trào yêu nước có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Thứ tư, phong trào yêu nước của trí thức Việt Nam là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự kết hợp các yếu tố cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chính vì vậy, sự xuất hiện của nhân tố phong trào yêu nước trong sự hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam như một điều hiển nhiên, tất yếu. Nó nhân lên sức mạnh của Đảng, tạo chỗ dựa vững chắc cho Đảng, cho giai cấp công nhân VN.
Ngày nay, sự xuất hiện song hành của nhân tố phong trào yêu nước trong Đảng chính là cơ sở để Đảng ta tự khẳng định "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; Đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của dân tộc". Diễn đạt như vậy không làm mờ, không che mất bản chất giai cấp công nhân của Đảng, mà ngược lại càng khẳng định sâu sắc hơn bản chất giai cấp công nhân, đồng thời nêu bật vai trò quan trọng của yếu tố nhân dân lao động và dân tộc - hiện thân hữu hình của phong trào yêu nước trong Đảng ta ngày nay. Về tính dân tộc của Đảng, hay yếu tố phong trào yêu nước của Đảng hiện nay được thể hiện ở các nội dung cơ bản:
Một là, Đảng đại diện và tiêu biểu cho lợi ích của toàn dân tộc, hoạt động của Đảng là nhằm đem lại lợi ích cho toàn thể dân tộc. Hồ Chí Minh viết: “ngoài lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”.
Hai là, Đảng viên của Đảng bao gồm những người Việt Nam yêu nước, những người con ưu tú của dân tộc.
Ba là, cơ sở xã hội của Đảng rất rộng lớn cả dân tộc bao gồm cả quốc dân, trừ bọ phản quốc và tham ô ra ngoài.
Bốn là, thành phần xuất thân của đảng viên rất đa dạng: công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản…
Từ những điều trên cho thấy trong công tác Xây dựng Đảng hiện nay, Đảng phải gắn bó sứ mệnh của mình với sứ mệnh của toàn giai cấp, toàn dân tộc. Hay Đảng chỉ mạnh khi dân giàu, nước mạnh. Và do đó, đây lại là trách nhiệm của Đảng. Đảng phải đưa ra những chính sách đúng đắn để phát triển mọi mặt đời sống, để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân. Khi Đảng làm được những điều đó thì tức là tự bản thân Đảng đang mạnh lên mà không một kẻ thù, không một thế lực thù địch nào có thể quật ngã. Đây thực sự là hai mặt của một vấn đề, là mối liên hệ biện chứng đối với sự sống còn và phát triển, vững mạnh của Đảng ta ngày nay.
ThS. Đỗ Thị Thuý Hoa
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng – Trường Chính trị Phú Thọ