TIN TỨC - CHI BỘ
ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
QUẬN ỦY HẢI CHÂU
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Hải Châu, ngày 12 tháng 12 năm 2019
|
*
|
|
Số 21-QĐ/QU
|
|
QUY ĐỊNH
Bộ tiêu chí và quy chế đánh giá cán bộ
thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý
-----
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức;
- Căn cứ Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04-8-2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp;
- Căn cứ Quy định số 132-QĐ/TW ngày 08-3-2018 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị;
- Căn cứ Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09-6-2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27-7-2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP;
- Căn cứ Quy định số 01-QĐi/TU, ngày 14-5-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiêu chuẩn chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý;
- Căn cứ Quy định số 04-QĐi/TU, ngày 20-8-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử;
- Căn cứ Quy định số 05-QĐi/TU ngày 22-8-2018 của Thành ủy về Bộ tiêu chí và quy chế đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý;
- Căn cứ Quy chế làm việc số 05-QC/QU ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ quận khóa V, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (sửa đổi, bổ sung lần 2);
- Căn cứ Quy định số 14-QĐi/QU ngày 04-12-2018 của Ban Thường vụ Quận ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử;
- Căn cứ Quy định số 15-QĐi/QU ngày 04-12-2018 của Ban Thường vụ Quận ủy về tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý;
- Theo đề nghị của Ban Tổ chức Quận ủy,
Ban Thường vụ Quận ủy quy định Bộ tiêu chí và quy chế đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý, như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích, yêu cầu
1.1. Mục đích
- Làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực, hiệu quả công tác và triển vọng phát triển của cán bộ lãnh đạo, quản lý.
- Làm căn cứ để tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức.
1.2. Yêu cầu
- Phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, tính lịch sử cụ thể sát đúng; trên cơ sở thực hiện tự phê bình và phê bình; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; công khai, minh bạch đối với cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá.
- Phát huy đầy đủ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, lấy kết quả, hiệu quả, mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao làm thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý theo phân cấp quản lý cán bộ (sau đây gọi tắt là cán bộ).
Điều 3. Nguyên tắc đánh giá và phân loại cán bộ
- Đúng chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đoàn kết, thống nhất; trung thực, khách quan, toàn diện; công bằng, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trách nhiệm.
- Bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên thông trong cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở.
- Gắn trách nhiệm cá nhân với tập thể; người đứng đầu, cá nhân lãnh đạo, quản lý được phân công phụ trách lĩnh vực, địa bàn với kết quả hoạt động, hiệu quả công tác của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu không được cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Bảo đảm đúng thẩm quyền: cán bộ do cấp có thẩm quyền quản lý đánh giá; cấp nào, cá nhân nào thực hiện việc đánh giá thì đồng thời thực hiện việc phân loại và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
- Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống làm gốc; kết quả, hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong đánh giá, xếp loại hằng năm (dựa theo Bộ tiêu chí đánh giá kèm theo Quy định này). Việc đánh giá cần làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực, trình độ của cán bộ.
- Trường hợp cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ do yếu tố khách quan, bất khả kháng thì được xem xét trong quá trình đánh giá, phân loại.
Điều 4. Thẩm quyền và phân công, ủy quyền đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý
4.1. Ban Thường vụ Quận ủy đánh giá đối với các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư thường trực Quận ủy, Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch HĐND quận, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch HĐND quận, Phó Chủ tịch UBND quận.
4.2. Thường trực HĐND quận đánh giá đối với phó trưởng các ban chuyên trách của HĐND quận;phối hợp với tập thể lãnh đạo UBND quận đánh giá đối với đồng chí Chánh Văn phòng HĐND & UBNDquận.
4.3. Tập thể lãnh đạo UBND quận đánh giá đối với cấp trưởng các phòng, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp và tương đương thuộc UBND quận.
4.4. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận đánh giá đối với các Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận.
4.5. Ban thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hộiquận đánh giá đối với cấp trưởng, cấp phó các đoàn thể chính trị - xã hội cơ quan, đơn vị mình.
4.6. Tập thể lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Quận ủy đánh giá đối với các đồng chí cấp trưởng và cấp phó của cơ quan, đơn vị mình (trừ đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy). Tập thể lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Quận ủy đánh giá đối với các đồng chí Phó Chủ nhiệm, ủy viên Ủy ban Kiểm tra Quận ủy chuyên trách.
4.7. Tập thể lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp và tương đương trực thuộc UBND quậnđánh giá đối với các đồng chí cấp phó của cơ quan, đơn vị mình.
4.8. Tập thể lãnh đạo các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân quận, các đơn vị thuộc ngành dọc Trung ương, thành phố đang công tác tại quận đánh giá đối với các đồng chí lãnh đạo cơ quan, đơn vị mình. Các chức danh Trưởng Công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự quận vừa tiến hành đánh giá ở cơ quan, đơn vị; vừa tiến hành đánh giá ở Ban Thường vụ Quận ủy.
4.9. Ban chấp hành đảng bộ phường đánh giá đối với các đồng chí bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ đảng ủy, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.
4.10. Ban chấp hành đảng bộ cơ sở đánh giá đối với các đồng chí bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ đảng ủy.
4.11. Cấp ủy chi bộ cơ sở đánh giá đối với các đồng chí bí thư, phó bí thư chi bộ (nơi không có cấp ủythì do chi bộ đánh giá đối với đồng chí bí thư, phó bí thư).
Chương II
TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI CÁN BỘ
Điều 5. Nhóm tiêu chí về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật
5.1. Chính trị tư tưởng
- Chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.
- Có quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên định lập trường; không dao động trước mọi khó khăn, thách thức.
- Đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
- Có ý thức nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các đợt sinh hoạt chính trị và cập nhật kiến thức mới.
5.2. Đạo đức, lối sống
- Không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, bè phái, gây lãng phí, thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước; không có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
- Có lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị.
- Có tinh thần đoàn kết, xây dựng, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp.
- Không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để bổ nhiệm hoặc tác động bổ nhiệm người thân, người quen không đủ tiêu chuẩn hoặc hợp thức hóa về tiêu chuẩn vào công việc, vị trí quan trọng.
5.3. Tác phong, lề lối làm việc
- Có trách nhiệm với công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, linh hoạt, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ.
- Phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, đúng nguyên tắc.
- Hợp tác, hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp.
5.4. Ý thức tổ chức kỷ luật
- Chấp hành sự phân công của tổ chức, yên tâm công tác.
- Thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, các quy định, quy chế, nội quy của địa phương, cơ quan, đơn vị nơi công tác.
- Thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định.
- Báo cáo đầy đủ, trung thực với cấp trên; cung cấp thông tin chính xác, khách quan.
Điều 6. Nhóm tiêu chí về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao
6.1. Tiêu chí chung
- Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong lề lối làm việc. Liên hệ các biểu hiện về suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
- Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm; trách nhiệm cá nhân liên quan đến kết quả, hạn chế, khuyết điểm ở lĩnh vực, địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách.
- Quán triệt nghiêm túc, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, cơ quan, đơn vị; không vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Quan tâm, xây dựng hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Chỉ đạo, đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, có kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc.
- Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên, người lao động.
- Xây dựng quy chế phối hợp, quy định mối quan hệ công tác chặt chẽ, đúng nguyên tắc giữa cấp ủy và tập thể lãnh đạo; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Xây dựng và thực hiện chương trình hành động hằng năm của bản thân một cách thực chất, cụ thể để tập thể chi bộ góp ý và kiểm tra, giám sát thực hiện.
- Tinh thần đổi mới sáng tạo, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ và có sản phẩm cụ thể lượng hóa được; trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
- Kết quả thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm; việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được cấp có thẩm quyền kết luận và được chỉ ra ở các kỳ kiểm điểm trước.
6.2. Tiêu chí đặc thù theo từng nhóm chức danh cán bộ
6.2.1. Đối với các chức danh Bí thư, Phó Bí thưthường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận, Chủ tịch UBND quận; Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy; Phó Chủ tịch HĐND quận, Phó Chủ tịch UBND quận: thực hiện theo Quy định 05-QĐi/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.
6.2.2. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan tham mưu, giúp việc Quận ủy, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Quận ủy chuyên trách (Mẫu 3B-QĐĐGCB-QU)
- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, ban hành, sơ kết, tổng kết các chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp của Trung ương, Thành ủy, Quận ủy về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và nhiệm vụ chính trị được giao.
- Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát.
- Thẩm định, thẩm tra các nghị quyết, chính sách, giải pháp của Quận ủy về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và các nhiệm vụ chính trị được giao.
- Xây dựng cơ quan kỷ luật, kỷ cương hành chính; trong sạch, vững mạnh, văn minh công sở.
6.2.3. Đối với chức danh phó trưởng các ban chuyên trách Hội đồng nhân dân quận (Mẫu 3C-QĐĐGCB-QU)
- Xây dựng, thẩm định, thẩm tra, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.
- Tham mưu để cơ quan có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng.
- Thực hiện chức năng giám sát hoặc chức năng khác được giao theo luật định.
- Phối hợp tổ chức tiếp xúc, giải quyết các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của cử tri.
6.2.4. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng,ban, ngành và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân quận (Mẫu 3D-QĐĐGCB-QU)
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo ngành, theo lĩnh vực được giao; tổ chức và theo dõi việc thi hành, thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với ngành, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành theo nghị quyết của Quận ủy, Hội đồng nhân dân quận, chương trình công tác năm của Ủy ban nhân dân quận giao và các nhiệm vụ trọng tâm của năm đã đăng ký.
- Tham mưu cho lãnh đạo quận cụ thể hóa để chỉ đạo thực hiện, hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, cải cách hành chính… theo ngành, lĩnh vực.
- Thực hiện cải cách hành chính, chế độ công chức, viên chức, công vụ; chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền và kết quả mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức được giao quản lý.
6.2.5. Đối với cán bộ lãnh đạo Mặt trận Tổ quốcvà các đoàn thể chính trị - xã hội quận (Mẫu 3E-QĐĐGCB-QU)
- Nắm tình hình nhân dân và các tổ chức trong khối Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội; tổ chức nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, giải pháp với Quận ủy, chính quyền quận về thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và các nhiệm vụ khác.
- Tổ chức thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội; giữ mối liên hệ và gắn bó với nhân dân, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng; tham gia xây dựng Đảng và chính quyền quận; tổ chức tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
- Tổ chức thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
- Xây dựng cơ quan kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong sạch, vững mạnh, văn hóa, văn minh.
6.2.6. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy lực lượng vũ trang quận (Mẫu 3F-QĐĐGCB-QU)
- Tham mưu, trực tiếp hoặc phối hợp tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
- Xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững mạnh về chính trị, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.
- Đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
6.2.7. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý Tòa án nhân dân quận (Mẫu 3G-QĐĐGCB-QU)
- Tổ chức công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc và thi hành án theo quy định của pháp luật bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để xảy ra án oan, sai, bị hủy.
- Tổng kết công tác xét xử; tham mưu cấp trên xây dựng các văn bản luật, hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật. Định kỳ tổng kết chuyên đề về công tác giám sát tư pháp của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với các hoạt động tư pháp.
- Thực hiện cải cách tư pháp; quản lý, xây dựng ngành; tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân theo thẩm quyền.
6.2.8. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý Viện Kiểm sát nhân dân quận (Mẫu 3H-QĐĐGCB- QU)
- Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng; không để xảy ra truy tố oan, sai.
- Thực hiện công tác kiểm sát, điều tra; đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật theo thẩm quyền.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật. Định kỳ tổng kết chuyên đề về công tác giám sát tư pháp của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với các hoạt động tư pháp.
- Thực hiện cải cách tư pháp; quản lý xây dựng ngành; tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
6.2.9. Đối với cấp phường:
* Các chức danh bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường (Mẫu 3I-QĐĐGCB-QU)
- Chỉ đạo học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương, Thành ủy và Quận ủy đầy đủ, kịp thời, có chất lượng.
- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn minh:
+ Lãnh đạo công tác nội chính và phòng chống tham nhũng tại địa phương;
+ Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện nhiệm vụ xây dựng quốc phòng toàn dân; thi hành luật nghĩa vụ quân sự tại địa phương;
+ Quản lý tốt công tác tổ chức, biên chế, lao động tiền lương;
+ Lãnh đạo tổ chức việc thu, chi ngân sách của địa phương theo quy định của pháp luật, phối hợp các cơ quan hữu quan để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các loại thuế và các khoản thu khác tại địa phương;
+ Chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở;
+ Thực hiện các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững, chính sách gia đình thương binh, liệt sĩ; giảm các tệ nạn ma túy, mại dâm; nâng chất lượng giáo dục và đào tạo; chú trọng công tác chăm sóc y tế và thể dục, thể thao đối với người dân; quan tâm phát triển và đầu tư cho văn hóa;
+ Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị; quản lý tốt cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm trên địa bàn;
+ Xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh;
+ Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, có chất lượng và hiệu quả, lãnh đạo thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng;
+ Cải tiến lề lối làm việc, quản lý điều hành bộ máy hành chính hoạt động có hiệu lực, hiệu quả (mô hình một cửa, một cửa liên thông, thủ tục hành chính...).
-