GIỚI THIỆU SÁCH
GIỚI THIỆU SÁCH:
“TỪ LÀNG SEN ĐẾN BẾN NHÀ RỒNG”
Trình Quang Phú
Kính thưa quý thầy cô và các em học sinh thân mến. Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh -Vị lãnh tụ, người cha già của toàn dân tộc (19/05/1890 – 19/05/2020). Thư viện xin kính giới thiệu đến quý thầy cô và các em học sinh cuốn sách “Từ Làng Sen đến bến Nhà Rồng” của tác giả Trình Quang Phú, do Nhà xuất bản Văn học phát hành.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, linh hồn của dân tộc Việt Nam. Ở Người luôn có sự tập trung tinh thần cao quý nhất của đất nước Việt Nam suốt bốn ngàn năm lịch sử. Sự kết tinh mọi tinh hoa của nhân loại và thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết giá trị văn hóa tinh thần ngàn đời của phương Đông, của dân tộc với những gì cao đẹp nhất, trong sáng nhất mà nhân loại có thể đạt được trong hiện tại và trong cả tương lai. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa có cốt cách tao nhã của một nhà hiền triết, nhà nho thanh bạch, vừa có sự năng động sôi nổi của một vị lãnh tụ cách mạng – người chiến sĩ cách mạng của thời đại mới. Suốt cuộc đời Người luôn canh cánh một điều “làm sao ai cũng có cơm no, áo mặt, ai cũng được học hành …”. Tình cảm của Người dành cho nhân dân cả nước, đặc biệt là đồng bào miềnNam và ngược lại tình cảm của đồng bào miềnNam với Bác.
Từ trước đến nay có nhiều nhà văn, nhiều tác giả trong và ngoài nước viết về Bác Hồ, như một nhà văn đã viết: “có bao nhiêu sách viết về Người chưa tính được, nhưng chưa tác giả nào dám nói mình đã viết đầy đủ về con người giản dị trong lời nói, phong cách sống, nhưng lại có một trí tuệ siêu phàm”.
Cuốn sách bao gồm nhiều mẫu chuyện, mỗi mẫu chuyện đều mang tính chất sử liệu. Câu chuyện bắt đầu từ Làng Sen nơi Người ra đi, cùng với bối cảnh lịch sử của một vùng đất khắc nghiệt nhưng lại là cái nôi của bao con người vĩ đại như: Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái, Trần Phú, Nguyễn Du.v..v. Gia đình dòng họ của Bác cũng là họ tộc tiêu biểu cho chất nhà nho xứ Nghệ. Ông nội là Nguyễn Sinh Nhậm, bà Nội là Hà Thị Hy. Cha của Bác Hồ Là Nguyễn Sinh Sắc, ông đã mồ côi mẹ lúc lên ba, lên bốn tuổi mồ côi cả cha - Ông phải đi giữ trâu thuê để kiếm sống, không nhịn được lòng ham học nhiều lần ông đã buộc trâu học lén, sẵn tư chất minh mẫn, chỉ nghe lén, học lõm mà cũng “ra trò”. Sau khi đậu Cử nhân học trường Quốc Tử Giám không lâu sau ông đi làm thư ký canh nông, với đồng lương không đủ sống, phải đi dạy kèm trong khi mẹ của Bác là bà Hoàng Thị Loan làm thợ dệt. Hoàn cảnh túng quẩn với ba người con, chị là Nguyễn Thị Thanh, anh Nguyễn Sinh Khiêm đến Bác là Nguyễn Sinh Cung đến sinh tiếp người con thứ tư đặt tên Nguyễn Sinh Xin. Cũng chính vì cảnh nghèo bấn, bần hàn và phải lao động quá sức nên bà mắc bệnh hậu sản, bà mất lúc mới bước vào tuổi ba mươi ba. Mẹ mất khi cha còn đang bận chấm thi tận Thanh Hóa. Bác của chúng ta những năm tuổi thơ ở Huế thật vô cùng cơ cực. Cha, anh, chị đi vắng, ông bà ở xa, một mình ở tuổi lên mười, thiếu cơm, rách áo lại phải nuôi em bé mới sinh. Hàng ngày Bác phải ẵm em đi xin sữa, xin cháo nuôi em và xin cơm cho chính mình.
Qua những ngày khó khăn gian khổ đó, cùng với truyền thống quê hương, gia đình đã dần hình thành trong Bác một lòng yêu nước, thương dân, giúp nước khỏi cảnh lầm than dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp. Khi đến tuổi trưởng thành, bác đã đem sức lực và hiểu biết của mình vừa làm thầy giáo dạy học ở trường Dục Thanh ( Phan Thiết), vừa chuẩn bị một chuyến đi xa. “ Bác đã quyết tâm làm đại bàng vỗ cánh tại nước chính quốc đang cai trị nước mình. Đồng chí Hà Huy Giáp kể rằng: có lần Bác nói “Cách mạng là con chim đại bàng có hai cánh, một cánh vỗ ở các nước thuộc địa, một cánh vỗ ở các nước chính quốc. Có hai cánh vỗ thì đại bàng mới bay được”. Trong đêm đen nô lệ của đất nước Bác là cánh chim đại bàng – “Cánh chim không mỏi”. Bác nói “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem họ làm thế nào tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Trưa ngày 02 tháng 6 năm 1911 trên chiếc tàu La-tu-sơ Tơ-rê-vin của hãng năm sao, người đã rời bến Nhà Rồng đi đến miền Bắc nước Pháp, bước vào một cuộc sống lao động cực khổ. Bác ra đi với một trái tim vĩ đại mang trọn tình yêu quê hương đất nước, mong sớm tìm được bước đường chân lý để giải phóng đồng bào ra khỏi lầm than, áp bức.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình Bác đã đặc biệt quan tâm đến Miền Nam. Bác nói “Miền Nam là ruột thịt, là xương máu của chúng ta” “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Bác cũng đã từng nói trong niềm xúc động “ Miền Nam yêu quý ở trong trái tim tôi”.
Cuốn sách “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” đã dành những trang viết đầy tình cảm để ghi lại những kỉ niệm không thể quên của những lần gặp Bác Hồ của tác giả, của các đồng chí lãnh đạo cách mạng ở Miền Nam như luật sư Trịnh Đình Thảo, nhà thơ Thanh Hải.v..v. Đặc biệt là những anh hùng dũng sĩ MiềnNam như anh Lê Chí Nguyện, chị Tạ Thị Kiều, Trần Dưỡng, anh hùng dân tộc Avai.v..v. Tác giả cũng ghi lại những tình cảm sâu sắc của luật sư Nguyễn Hữu Thọ đối với Bác. Những nhân vật của tác phẩm là những con người MiềnNam - nơi chiến trường ác liệt, sự sống và cái chết quá đỗi mong manh. Nhưng cũng chính nơi ấy, tấm lòng trung kiên, bất khuất của con người Việt Nam khiến kẻ thù phải nể sợ và một trong những động lực làm nên chiến thắng, thống nhất đất nước, là lòng kính yêu vô hạn của nhân dân Miền Nam đối với Bác.
Trong rất nhiều mẫu chuyện được kể lại, có chuyện của Huỳnh Thị Kiển và luật sư Trịnh Đình Thảo. Cô du kích Kiển đã cất hình Bác Hồ trong tờ bạc năm trăm đồng có được và mang theo bên mình, khi bị bắt và tra tấn dã man nhưng vẫn kiên quyết không khai báo. Chính vì thế mà chị đã bị quân giặc tàn ác giả man chặt cụt một chân của chị. Đến khi chị được gặp Bác Hồ ( tháng 3-1969) chị đã nói một câu khiến Bác phải rơi nước mắt: “Cháu cũng như nhiều bạn cháu ở Miền Nam cứ nghĩ rằng trong chiến đấu dù có bị cụt hết tay chân mà vẫn còn đôi mắt sáng, để ngày chiến thắng được nhìn thấy Bác, thì cũng không buồn”. Còn luật sư Trịnh Đình Thảo tốt nghiệp tiến sĩ ở Pháp về, trở thành một trí thức yêu nước ở Sài Gòn, với những hoạt động của một luật sư - Ông đã công khai treo biển cho một con đường mà ông đặt tên là đường Hồ Chí Minh. Dù đó chỉ là con đường chạy trong khu vườn của luật sư ở Gò Vấp, nhưng đó là một việc làm dũng cảm thể hiện niềm kính yêu của ông đối với Bác mà không dễ có ai thực hiện được. Mỗi người một mẫu chuyện khác nhau nhưng mỗi câu chuyện là một bài ca, một khúc nhạc, là tiếng đàn bầu ngân vọng đến ngàn đời sau.
Tập ký “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” của nhà văn đồng thời là một nhà báo Trình Quang Phú đã thể hiện theo cách để các nhân vật từ chiến trường Miền Nam được gặp Bác, tự kể lại các cảm xúc, những rung động sâu sắc từ trái tim mình. Qua đó chúng ta thấy được tấm lòng của Bác dành cho MiềnNam và ngược lại tình cảm yêu quý của nhân dân MiềnNam đối với Bác .
Bên cạnh những mẫu chuyện tác giả còn cung cấp một phần tư liệu, hình ảnh về Làng Sen đến Bến Nhà Rồng và những hình ảnh Bác Hồ với vùng đất và con người Miền Nam. Những tư liệu hình ảnh trong tập ký là những bằng chứng đã góp phần làm rõ hơn cho những điều mà tác giả muốn gửi gắm.
Cuốn sách “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” là “một khúc ca da diết của nhân dân nửa nước” đã để lại trong lòng người đọc biết bao niềm xúc động. Chúng ta càng thêm kính yêu Bác, càng thêm quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng phát triển hơn, tươi đẹp hơn, như điều mà người đã mong muốn lúc sinh thời . Tác phẩm sau hai lần xuất bản đã được bạn đọc và công luận hoan nghênh.
Thư viện xin trân trọng giới thiệu và kính mời quý thầy cô giáo, các em học sinh đón đọc!
- CÂY CAM NGỌT CỦA TÔI
- BẠN KHÔNG THÔNG MINH LẮM ĐÂU
- ĐẮC NHÂN TÂM
- “TUỔI TRẺ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU ?”
- Ý NGHĨA CỦA NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM VÀ LỢI ÍCH CỦA VIỆC ĐỌC SÁCH
- Thư mục biển đào Việt Nam
- Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của Việt Nam
- Búp sen xanh
- THƯ MỤC VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ ĐIỆN BIÊN PHỦ
- Tôi học Đại học
- Quyết định công nhận thư viện trường học xuất sắc
- Tony buổi sáng
- Người thầy
- Lời bình đọc HỒN SÁCH của Trúc Linh
- LỊCH SỬ CỦA SÁCH
- Tra cứu sách trực tuyến thư viện trường THPT Trần Phú