GIỚI THIỆU SÁCH
Ý NGHĨA CỦA NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM
VÀ LỢI ÍCH CỦA VIỆC ĐỌC SÁCH
Bắt nguồn từ một phong tục tốt đẹp từ đất nước Tây Ban Nha là hằng năm vào ngày 23/4, người được tặng sách cũng như mua sách đều được tặng kèm những đóa hồng thật đẹp. Hoạt động văn hóa có ý nghĩa tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện...
Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới. Nhận thấy tầm quan trọng của Sách văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Chính phủ Việt Nam đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục cũng như rèn luyện nhân cách con người.
Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc.
Gần 10 năm hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, ngày 21/4 hằng năm đã trở thành một ngày đáng nhớ đối với người viết sách, sưu tầm sách người làm công tác phát hành, lưu giữ sách, cũng như đông đảo bạn đọc yêu sách cả nước. Trường THPT Trần Phú chúng ta hằng năm đã tổ chức những hoạt động nhằm kỉ niệm cho sự kiện văn hóa ý nghĩa này, đặc biệt đã vinh dự tổ chức được năm lần ngày hội đọc sách với qui mô toàn trường được giáo viên, học sinh đón nhận nồng nhiệt.
Thưa quí thầy cô cùng các em học sinh, chúng ta cũng đã biết sách là sản phẩm trí tuệ của con người, được tích lũy thông qua những kiến thức thực tiễn, nền văn hóa, lịch sử của các dân tộc trên thế giới, đây là công cụ để chứng minh cho những thành tựu của loài người trong quá trình hình thành và phát triển. Sách cũng được coi là chìa khóa để mở ra thành công của loài người.
Câu chuyện về chữ viết và hình thành sách rất độc đáo và hấp dẫn, xin mời bạn đọc tìm đọc cuốn Lịch sử của Sách của tác giả Mai Hương và rất nhiều sách về những tấm gương hiếu học của ông cha ta như nhà bác học Lê Quí Đôn, chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo sư toán học Nguyễn Cảnh Toàn, nhà giáo Nguyễn Ngọc ký và rất nhiều tấm gương khác có tại thư viện nhà trường.
Đọc sách giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách, có thêm được lượng kiến thức lớn, giúp kích thích não bộ, cải thiện được khả năng tập trung, đọc sách sẽ cải thiện được vốn từ ngữ và cách diễn đạt, nâng cao tư duy và sự sáng tạo của bản thân.
Đọc sách mang lại sự thư thái và sảng khoái, là kích thích tuyệt vời cho mọi nguồn cảm hứng, chỉ cho chúng ta mọi con đường đi cùng với kiến thức mới mẻ giúp chúng ta thành công hơn trong cuộc sống cũng như công việc. Khi sách, không những cảm thấy mình không cô đơn mà còn có được rất nhiều bạn từ trong sách. Sách có thể cho chúng ta những suy nghĩ cao cả, những ý tưởng làm việc trong nhiều lĩnh vực và những hiểu biết sâu sắc. như X.Xmaixo đã nói: “Sách là người bạn tốt nhất của tuổi già, đồng thời là người chỉ dẫn tốt nhất cho tuổi trẻ” là vậy.
Cũng nói về lợi ích đọc sách, có người đã ví von rằng: “nếu siêng đọc sách, không có nghĩa là bạn sẽ trở nên giàu có, nhưng những người nằm trong giới giàu có thường luôn đọc rất nhiều sách” hay là câu nói “số trang sách bạn lật hôm nay chính là số tiền mà ngày mai bạn đếm”.
Chỉ là ví von thôi nhưng thực tế minh chứng cho những câu nói này như tỷ phú Warren Buffett đã dọc 600 trang sách mỗi ngày, ông ước tính 80% thời gian ngày làm việc của ông được dành cho việc đọc và suy ngẫm. Tỷ phú Bill Gates chia sẻ, ông không bao giờ bỏ dở một cuốn sách và tự đặt ra một quy tắc: không đọc một cuốn sách nếu không chắc chắn mình sẽ đọc hết và thói quen đầu tiên của Gates khi cầm một cuốn sách là ghi chú vào phần lề của trang sách. Nhà phát minh Elon Musk từng khiến rất nhiều người ngạc nhiên khi chia sẻ bản thân tự học cách chế tạo thuốc nổ, làm ra tên lửa nhờ vào việc chăm chỉ đọc sách, ông chia sẻ, lúc trẻ, đã có lúc ông đã dành tới 10 giờ đồng hồ mỗi ngày để đọc các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.
Mann Horace, nhà cải cách giáo dục người Mỹ ước muốn: “ Nếu tôi có quyền thế, tôi sẽ đem sách mà gieo rắc khắp mặt đạ cầu như người ta gieo lúa trong luống cày vậy”. Có thể nói sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng được trân trọng của các thế hệ trên toàn cầu và chỉ có sách con người mới biết đến sự thật, tình yêu thương và cái đẹp hoàn hảo.
Sau cùng, xin kính chúc quí thầy cô giáo cùng các em học sinh đọc được thật nhiều sách hay để có được nhiều niềm vui tươi, mới mẻ mỗi ngày. Xin cảm ơn đã chú ý lắng nghe./.
- CÂY CAM NGỌT CỦA TÔI
- BẠN KHÔNG THÔNG MINH LẮM ĐÂU
- ĐẮC NHÂN TÂM
- “TUỔI TRẺ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU ?”
- Thư mục biển đào Việt Nam
- Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của Việt Nam
- Búp sen xanh
- THƯ MỤC VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ ĐIỆN BIÊN PHỦ
- Tôi học Đại học
- Quyết định công nhận thư viện trường học xuất sắc
- Tony buổi sáng
- Người thầy
- “TỪ LÀNG SEN ĐẾN BẾN NHÀ RỒNG”
- Lời bình đọc HỒN SÁCH của Trúc Linh
- LỊCH SỬ CỦA SÁCH
- Tra cứu sách trực tuyến thư viện trường THPT Trần Phú