Văn bản pháp quy
Thời khóa biểu
Lịch làm việc

TIN TỨC - CÔNG ĐOÀN

CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG THPT TRẦN PHÚ VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG HƯỚNG TỚI TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC

CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG THPT TRẦN PHÚ VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG HƯỚNG TỚI TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC

                                                                                               Phan Văn Quang

 

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa nhà trường hướng đến trường học hạnh phúc

Cho đến hiện nay chưa có một tài liệu nào của Hồ Chí Minh và tài liệu của các nhà nghiên cứu về Bác đề cập đến việc Bác đã nêu lên khái niệm trường học hạnh phúc. Tuy nhiên, quan điểm của Hồ Chí Minh về sự cần thiết, và nhất thiết phải xây dựng một môi trường giáo dục hạnh phúc, mọi người có quyền được học, tôn trọng người học, xây dựng môi trường giáo dục nhân văn và nhân bản được Hồ Chí Minh đề cập rất nhiều trong suốt chiều dài hoạt động và lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến lợi ích giáo dục và phát triển giáo dục để xây dựng đất nước, “Vì lợi ích mười năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Dù “trồng người” mất cả trăm năm, gian khó những lợi ích mang lại vô cùng to lớn, bởi “Non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Muốn phát huy được khả năng của chủ nhân tương lai đất nước, học sinh phải được chăm sóc, nuôi dưỡng, được học tập và vui chơi. Cho nên phải tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, hạnh phúc, trường học là ngôi nhà thứ hai của các em, trong những ngôi nhà đó người thầy, người cô phải “...làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ như trồng cây non. Trông cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này cháu trở thành người tốt”. “Trong lúc học cần phải làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội chúng đều vui, đều học...”.

Theo Hồ Chí Minh, một ngôi trường hạnh phúc nội dung giáo dục ở các cấp học phải: “Cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục; Dạy cho các cháu đạo đức cách mạng, biết yêu Tổ Quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu khoa học, yêu lao động và người lao động, thật thà, dũng cảm, sẵn sàng tham gia lao động và bảo vệ Tổ Quốc”. Nhận thức về phát triển giáo dục của Hồ Chí Minh nói không quá rằng đi trước triết lý giáo dục của UNESCO (Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc) về phát triển giáo dục nhân loại trong thế kỉ XXI dựa trên “bốn trụ cột” là: “Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại; và Học để chung sống”. Nhận định này không phải là chủ quan, mơ hồ, bởi Đảng Cộng Sản Mỹ đã viết về Người: “Tấm lòng ưu ái đầy thi vị mong muốn một thế giới tốt đẹp có hương hoa tươi thắm và những tiếng cười náo nức của trẻ em, đã thấm nhuần vào chủ nghĩa nhân đạo toàn diện của cuộc đời mà Người đã sống, thấm nhuần vào những việc kỳ diệu mà Người đã làm, vào sự nghiệp mà trọn đời Người phục vụ”.

2. Nhận thức chung về xây dựng văn hóa nhà trường hướng tới trường học hạnh phúc.

Mô hình Trường học hạnh phúc lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO được triển khai thí điểm vào tháng 4-2018 ở một số trường học tại Thành phố Huế và hiện đang được nhân rộng trên địa bàn cả nước. Ba yếu tố cốt lõi trong trường học hạnh phúc, đó là: yêu thương, an toàn và tôn trọng, đây cũng chính là nhu cầu tự thân, là động lực để các thành viên trong nhà trường phấn đấu thực hiện. Xây dựng trường học hạnh phúc phải tạo ra môi trường học tập tích cực, thân thiện tiến đến mục tiêu “Trường học hạnh phúc – Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc”, cần xem đây là một nội dung quan trọng, phản ánh quá trình tạo lập, duy trì và lan tỏa các giá trị cốt lõi của mỗi cơ sở giáo dục, hướng tới trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ cho người học.

Xây dựng trường học hạnh phúc phải hướng tới các tiêu chí cơ bản sau:

Trường học có tình yêu thương: là nơi mà thầy cô, phụ huynh và học sinh đều cảm thấy hạnh phúc.

Trường học an toàn: là nơi không có bạo lực học đường, không có những vụ đánh nhau, xô xát, bắt nạt giữa học sinh, không có những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ở đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được đảm bảo sức khỏe thể chất và tâm hồn.

Trường học có sự tôn trọng: ở đó không có những hành vi, lời lẽ vi phạm đạo đức xã hội, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhà giáo. Đặc biệt, đó là nơi phải biết tôn trọng sự khác biệt, không áp đặt quan điểm cá nhân lên cái chung của tập thể. Trong ngôi trường đó, mọi thành viên đều có cơ hội để phát triển tối đa tiềm năng của bản thân, không có ai bị bỏ lại phía sau, tất cả cùng thay đổi và tiến bộ.

3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa nhà trường hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc   

Với chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn cơ sở là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, tham mưu, phối hợp với lãnh đạo nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục. Với tinh thần đó, trong những năm qua Công đoàn cơ sở Trường THPT Trần Phú đã tham gia tích cực trong phong trào xây dựng văn hóa nhà trường hướng tới trường học hạnh phúc đạt được một số kết quả nổi bật sau:

Trước tiên phải kể đến công tác phối hợp giữa Ban Chấp hành với hệ thống chính trị nhà trường chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công đoàn viên và người lao động, như tổ chức khám sàng lọc sức khỏe, giải quyết tồn đọng về những sai sót Bảo hiểm Xã hội cho 15 trường hợp; chi 160.590.000 đồng chia tay giáo viên về hưu, giáo viên chuyển công tác, hỗ trợ phòng, chống dịch Covid 19; có 65 công đoàn viên được nâng lương trước thời hạn; 169.800.000 đồng là số tiền trao quà cho người lao động trong dịp tết cổ truyền dân tộc; tổ chức tham quan, học tập ở trong nước 01 lần và ở ngoài nước 02 lần; hoạt động kỉ niệm các ngày lễ lớn trong năm được tổ chức đều đặn…

Công tác cải cách hành chính được Ban Chấp hành chú trọng: tinh giản tổ trưởng công đoàn từ 11 tổ xuống còn 09 tổ; thiết lập tổ phản ứng nhanh đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid 19 (như thành lập ban chỉ đạo, lập kênh thông tin liên lạc, xây dựng cẩm nang phòng chống dịch Covid 19…); công tác lưu trữ hồ sơ… 

Trong phong trào thi đua yêu nước, có 27 sáng kiến tham gia Chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid 19” do Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động, hằng năm có trên 22 đoàn viên có sáng kiến được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố công nhận. Năm 2022 công đoàn nhà trường tham gia giải Thể thao Nhà giáo, người lao động ngành giáo dục đạt huy chương vàng và huy chương đồng môn bóng bàn. Trong 5 năm qua có 37 lượt bài giảng e-Learning đạt giải thành phố, 04 công đoàn viên được công nhận giáo viên dạy giỏi và chủ nhiệm giỏi thành phố, 28 lượt công đoàn viên được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố, 06 công đoàn viên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen, trên 100 lượt công đoàn viên đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở…

 Công tác vận động người lao động hướng về cộng đồng đạt nhiều kết quả nổi bật, như ủng hộ Quỹ mái ấm Công đoàn, bão lụt Miền Trung, Quỹ Máy tính với số tiền 36.139.000 đồng; hơn 40 triệu đồng ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid 19 (tham gia ở trường và ở địa phương), trong đợt cao điểm phòng chống dịch “ai ở đâu ở yên đó” có 17 công đoàn viên đã tham gia trực tiếp phòng, chống dịch ở nơi cư trú, hơn 2 tấn rau quả và hơn 100 ổ bánh mì của công đoàn viên ủng hộ người dân, 03 giáo viên tham gia dạy học trực tuyến trên truyền hình; hằng năm có trên 15 công đoàn viên tham gia hiến máu nhân đạo (tiêu biểu như thầy Giáp Vân Trường đã có 16 năm liền tham gia hiến máu và hiến được 16 đơn vị máu, thầy Lê Văn Hường thành viên của Đội tình nguyện viên hiến máu sống của Gia đình Phật tử Đà Nẵng); hàng chục lượt công đoàn viên phối hợp với Ban đại diện Cha mẹ học sinh tổ chức cho các em thăm và tặng quà các trung tâm mái ấm tình thương, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng… Riêng năm học 2022 – 2023, Công đoàn nhà trường đã vận động đoàn viên, NLĐ ủng hộ con của một giáo viên trong trường bị bệnh hiểm nghèo và động đất ở Thổ Nhĩ Kì và Xi-ri với số tiền lên đến 46.600.000 đồng (trong đó ủng hộ động đất là 4.950.000 đồng); 100% đoàn viên công đoàn và NLĐ đã tham đóng góp Quỹ Xã hội công đoàn với số tiền hờn 16.700.000 đồng.

Công đoàn phối hợp với nhà trường tham gia hoạt động xã hội hóa giáo dục đạt được một số kết quả bước đầu, như Tổng Công ty Điện lực miền Trung cấp học bổng cho học sinh với số tiền 200.000.000 đồng; cựu học sinh nhà trường khóa 1994-1997 ủng hộ 37.500.000 đồng nhân dịp kỉ niệm 40 năm thành lập trường và em Phan Cẩm Nhi, lớp 12/15 (khóa 2015 – 2018) hỗ trợ cho Quỹ học bổng nhà trường với số tiền 15.000.000 đồng; có 3 công đoàn viên và thân nhân của công đoàn viên đã hỗ trợ 80.000.000 đồng cho hoạt động dạy và học…

Cách làm mới trong hoạt đông công đoàn gắn với sáng kiến tổ chức các hoạt động nhằm thích nghi với điều kiện phòng, chống dịch Covid 19 đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, như thành lập Quỹ “Ổ bánh mì nhân ái” để động viên tinh thần, thăm hỏi, hỗ trợ đến giáo viên, học sinh nhà trường và những gia đình có công với cách mạng với tổng số tiền 7.720.000 đồng; tổ chức kỉ niệm ngày Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam qua hình thức trực tuyến; vận động công đoàn viên tự tổ chức tết Trung thu cho các cháu bằng nhiều hình thức, như làm đèn Lồng, đèn Ông sao, làm bánh Trung thu, thiết kế mâm cỗ…; phát động Tết trồng cây với tinh thần mỗi công đoàn viên, mỗi tổ công đoàn trồng cho nhà mình, cho tổ một cây cảnh đã vận động được 100% tổ công đoàn, 100% công đoàn viên tham gia, góp phần bảo vệ môi trường, xanh hóa trường học...

Bên cạnh những kết quả nổi bật trong xây dựng văn hóa nhà trường nêu ở trên, Ban Chấp hành Công đoàn tự nhận thấy vẫn còn có những hạn chế tồn tại, đó là:

- Ứng xử chưa thật mềm mỏng, đôi khi còn nóng nảy trước học sinh của một bộ phận đoàn viên công đoàn, người lao động hoặc chưa phát huy hết vai trò công bốc của dân, vai trò nêu gương của nhà giáo, của viên chức làm việc trong môi trường giáo dục.

- Một bộ phận học sinh chưa chấp hành nội quy, quy định của nhà trường, như vi phạm nền nếp, hút thuốc lá, không học bài, hạ thấp uy tín bạn bè, thầy cô trên không gian mạng…

Những hạn chế trên dễ dẫn đến nguy cơ tâm lý hoài nghi, mất niềm tin vào giáo dục, suy giảm quan hệ tốt đẹp thầy trò, gia đình và nhà trường, ảnh hưởng đến tâm hồn, nhân cách của học sinh, uy tín nhà trường…

4. Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng văn hóa nhà trường hướng tới trường học hạnh phúc

- Nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa nhà trường hướng tới trường học hạnh phúc

Phải kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ bằng việc thực hiện có hiệu quả nguyên lí giáo dục: gia đình – nhà trường – xã hội thông qua định hướng hành vi, cách ứng xử theo phương châm “lấy người học làm trung tâm”, với tinh thần “Trường học là ngôi nhà thứ hai của chúng ta”. “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” được tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường vận dụng có hiệu quả gắn với thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, như: “Dạy tốt - Học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”. Từ trong mỗi hoạt động cụ thể này, các giá trị văn hóa của trường học hạnh phúc được ghi nhận và phát huy, tác động không nhỏ đến nhận thức của mỗi cá nhân có liên quan.

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và nhân văn

Nhà trường và công đoàn làm tốt chức năng đầu mối để gắn kết với các lực lượng xã hội ngoài nhà trường, như chính quyền địa phương, lực lượng công an và người dân để nắm thông tin học sinh, ngăn chặn và đẩy lùi những hành vi phản văn hóa từ bên ngoài tấn công, xâm nhập vào trường học. Mục tiêu hướng đến là phải tạo được sự an nhiên trong tâm hồn mỗi người học bằng những tri thức, kỹ năng sống mà thầy cô cung cấp, chia sẻ để từ đó các em học sinh tự tin, chủ động trong ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra theo hướng an toàn, phù hợp.

Thực hành dân chủ trong trường học là một biện pháp quan trọng cần được triển khai thực hiện ở các tổ chức chính trị xã hội nhà trường. Mục đích là làm cho thầy và trò đều ý thức rõ về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với những người xung quanh, với gia đình và xã hội, với quê hương, đất nước. Tinh thần dân chủ không đồng nghĩa với vô tổ chức, vô nguyên tắc. Song, dân chủ cũng phải được tôn trọng sự khác biệt, cái độc đáo, mới lạ, dám đấu tranh cho lợi ích chung… Khi con người được tôn trọng, được đối xử bình đẳng với những sáng kiến cá nhân được lắng nghe và thực thi sẽ là động lực lớn để người học vươn lên khẳng định mình và sẽ có nhiều cống hiến cho xã hội.

Ban hành bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường theo tiêu chí trương học hạnh phúc để điều chỉnh hành vi

Mục tiêu nhằm tạo chuyển biến căn bản về thái độ ứng xử một cách nhân văn của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Đồng thời, giải pháp cũng góp phần tạo lập các chuẩn mực về đạo đức và ứng xử của cán bộ, nhà giáo khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ với đồng nghiệp, với học sinh, với phụ huynh học sinh và trong các mối quan hệ xã hội khác. Đây cũng là căn cứ để nhà trường xử lý trách nhiệm khi cán bộ, viên chức vi phạm các chuẩn mực đạo đức và ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ, trong các mối quan hệ công tác, đồng thời là căn cứ để đánh giá, xếp loại và giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của đoàn viên, người lao động.

Quá trình xây dựng bộ quy tắc ứng xử cần tuân thủ những quy định pháp luật hiện hành, cụ thể như: Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3-10-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025; Chỉ thị 1737/CT-BGD-ĐT ngày 7-5-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT về Quy định đạo đức nhà giáo, đồng thời bám sát vào các tiêu chí mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra: “Yêu thương - An toàn - Tôn trọng”. Trên cơ sở bộ quy tắc ứng xử đó công đoàn nhà trường xây dựng hướng dẫn thực hiện bộ quy tắc ứng xử đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Để bộ quy tắc ứng xử đi vào thực tiễn hoạt động của nhà trường, tao nên một môi trường giáo dục an toàn, hiệu quả và lành mạnh, nhân văn. Công đoàn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện cơ chế giám sát, đẩy mạnh công tác phản biện xã hội và lấy kết quả thực hiện bộ quy tắc ứng xử xây dựng trường học hạnh phúc của đoàn viên, người lao động đưa vào quy chế thi đua khen thưởng của công đoàn… sẽ tạo được động lực, đòn bẩy, niềm tin về sự thành công trong xây dựng trường học hạnh phúc trong thời gian tới.

Xây dựng mô hình, dự án mang tính nhân văn góp phần xây dựng trường học hạnh phúc

Hạnh phúc không chỉ được nhận mà phải cho đi, gắn trách nhiệm bản thân trách với cộng đồng, xã hội nhằm lan tỏa sự yêu thương. Để giải pháp sớm đi vào thực tiễn đời sống, công đoàn nhà trường phải làm tốt công tác tham mưu với chính quyền, công tác phối hợp với các lực lượng xã hội khác và tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài trường, ưu tiên mô hình, dự án cốt lõi gắn với nhu cầu thiết yếu của địa phương và thực tiễn nhà trường để từ đó xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp phù hợp thực hiện.

Năm học 2023 – 2024, công đoàn nhà trường sẽ hướng đến thực hiện mô hình, dự án:

- “Quỹ heo đất thiện nguyện”: mục đích chia sẻ bớt với những khó khăn, vất vả đối với bệnh nhân đang điều trị tại một số bệnh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; trao quà cho một số cựu giáo chức có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp 20/11. Nguồn lực:

+ Nhân lực: vận động đoàn viên công đoàn tham gia hỗ trợ.

+ Tài chính: huy động đóng góp tự nguyên của đoàn viên, người lao động trong nhà trường và mạnh thường quân.

- “Trần Phú ngôi nhà của hạnh phúc”: mục đích xây dựng, củng cố, phát triển mối quan hệ giữa cán bộ, giáo viên, nhân viên đương chức với cựu giáo chức và cựu học sinh nhà trường để gặp gỡ, chia sẻ, tâm tình, giao lưu, sum họp.

Giải pháp:

+ Phối hợp với lãnh đạo nhà trường tổ chức giao lưu với cựu giáo chức nhân dịp kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

+ Thành lập Ban liên lạc cựu học sinh Trường THPT Trần Phú để chia sẽ kiến thức, kinh nghiệm, và có thể tranh thủ các nguồn lực nhằm thực hiện xã hội hóa giáo dục nhà trường.

 

 

5. Kết luận

Xây dựng văn hóa trường học hướng đến trường học hạnh phúc là mong mỏi và tâm huyết của tập thể nhà trường, trong đó có tổ chức công đoàn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Những giá trị văn hóa trường học hạnh phúc không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực thúc đẩy, định hướng các lực lượng trong và ngoài nhà trường hành động vì một môi trường giáo dục “An toàn - Yêu thương - Tôn trọng”. Học sinh là chủ nhân tương lai của đất nước, việc kiến tạo hạnh phúc cho mỗi thành viên trong ngôi trường mang tên Tổng bí thư Trần Phú không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà cả lâu dài trong việc hình thành nhân cách tốt đẹp, niềm tin và khát vọng trong mỗi thành viên, có bản lĩnh kiên cường để vượt qua mọi khó khăn, có tri thức, kĩ năng để làm chủ bản thân, có tình yêu thương để chia sẻ và bao dung, đó là cái đích đến của trường học hạnh phúc. Do đó, để xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh hướng đến trường học hạnh phúc cả hệ thống chính trị nhà trường phải ra sức thực hiện thắng lợi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ... Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”. 

  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Nguyễn Hữu Thiệp, Xây dựng văn hóa nhà trường hiện nay, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2018, tr.55.

2. Trần Hồng Quân, Văn hóa nhà trường, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, tr.25.

3. Công đoàn giáo dục Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ phát động “Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”congdoangdvn.org.vn, 23-4-2019.

4. Việt Hà, Bạo lực học đường: Chuyện không chỉ riêng của Việt Nam, vietnamplus.vn, 24-4-2019.

5. Hồ Thị Luấn, Mai Thị Quế, Bạo hành trẻ em trong nhà trường, nguyên nhân và một số giải pháp phòng ngừaViện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, 2018, tr.4.